Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc hôm qua (30/8) bắt đầu thảo luận về việc có thể áp đặt các lệnh trừng phạt đối với cá nhân hoặc thể chế tại Syria vì liên quan đến 2 vụ tấn công bằng khí Clo nhằm vào dân thường thời gian gần đây.
Liên Hợp Quốc và Tổ chức Cấm vũ khí hóa học (OPCW) cáo buộc quân đội Chính phủ Syria là thủ phạm những vụ tấn công đó. Cuộc điều tra chung của 2 cơ quan này cũng cho thấy tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đã sử dụng khí sulfur cay ở Syria.
Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Samantha Power đã kêu gọi Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc hành động nhanh chóng để chứng tỏ rằng, khi đưa ra Cơ chế điều tra chung, các bên rất nghiêm túc trong việc quy trách nhiệm cụ thể.
Trong khi đó, Đại sứ Anh Matthew Rycroft khẳng định, 3 nước Anh, Pháp Mỹ đang tìm kiếm một lệnh trừng phạt Chính phủ Syria theo cơ chế quốc tế.
Đại sứ Nga tại Liên Hợp Quốc Vitaly Churkin cho biết, ông sẵn sàng thảo luận và hợp tác với các nước trong Hội đồng bảo an về vấn đề này song trước tiên các nước đưa ra cáo buộc nhằm vào chính quyền Syria cần phải chia sẻ những phân tích về báo cáo tình hình sự dụng vũ khí hóa học “khá phức tạp” ở Syria trong thời gian qua.
Syria đã nhất trí phá hủy vũ khí hóa học từ năm 2013 theo thỏa thuận do Nga và Mỹ làm trung gian.
Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc bảo trợ cho thỏa thuận này bằng một Nghị quyết trong đó nêu rõ, cơ quan này sẽ áp dụng các biện pháp theo Chương 7 của Hiến chương Liên Hợp Quốc nếu phát hiện ra bất cứ hành động “chuyển giao phi pháp vũ khí hóa học hoặc bất cứ bên nào tại Syria sử dụng vũ khí hóa học”.
Theo đó cho phép không chỉ áp dụng các lệnh trừng phạt mà Hội đồng bảo an có thể xem xét một hành động quân sự để can thiệp.
Nếu muốn trừng phạt, hội đồng này sẽ phải thông qua một nghị quyết nữa về danh sách các cá nhân và tổ chức bị trừng phạt. Đại sứ Pháp tại Liên Hợp Quốc Francois Delattre nhấn mạnh rằng, Hội đồng bảo an cần phải có một nghị quyết thực sự có tính răn đe./.