Liên hiệp châu Âu (EU) vừa qua đã tuyên bố gia hạn thêm sáu tháng các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Nga, liên quan cuộc khủng hoảng tại U-crai-na. Động thái này không những làm gia tăng căng thẳng trong mối quan hệ vốn “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt” giữa hai bên, mà còn khiến cả Nga và EU tiếp tục chịu thêm nhiều tổn thất.
Theo quyết định của EU, lệnh trừng phạt chủ yếu nhằm vào những lĩnh vực năng lượng, tài chính và quốc phòng của Nga, sẽ tiếp tục được gia hạn đến ngày 31-1-2017. Quyết định này không nằm ngoài dự đoán khi trước đó, các nhà lãnh đạo EU tuyên bố duy trì quan điểm tiếp tục trừng phạt Nga do những điều khoản trong thỏa thuận Min-xcơ ký hồi tháng 2-2015 vẫn chưa được thực thi đầy đủ. Mát-xcơ-va ngay lập tức tuyên bố, động thái nói trên của EU là “thiển cận” và “vô lý”, khi gắn lệnh trừng phạt với việc không đạt tiến triển trong thực thi thỏa thuận hòa bình tại miền đông U-crai-na, đồng thời nhấn mạnh, lệnh trừng phạt sẽ không làm nước này thay đổi đường lối.
Hiện nay, bên cạnh tác động tiêu cực của tình trạng giá dầu thế giới lao dốc, đồng rúp mất giá nghiêm trọng, các biện pháp trừng phạt của phương Tây nhằm vào những lĩnh vực kinh tế then chốt đã để lại vết hằn lớn trong ngân sách nhà nước Nga. Trong một báo cáo mới nhất, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo, mặc dù đà suy giảm đã chậm lại, GDP Nga sẽ giảm 1,5% trong năm 2016 và triển vọng kinh tế trong trung hạn vẫn còn khá ảm đạm.
Trong khi nền kinh tế Nga gặp khó khăn, thì EU cũng phải trả cái giá khá đắt. Nhiều doanh nghiệp trong khối đang “đứng ngồi không yên” trước những tác động tiêu cực từ các biện pháp đáp trả của Nga. Theo số liệu thống kê của Cơ quan Hải quan LB Nga, trong năm 2014 và 2015, kim ngạch xuất khẩu từ EU sang “xứ sở bạch dương” giảm lần lượt 11,7% và 40,2%, tương đương mức thiệt hại 64 tỷ USD trong hai năm này. Ngoài ra, biện pháp “trả đũa” của Nga cũng khiến ngành nông nghiệp nhiều nước châu Âu rơi vào tình cảnh điêu đứng. Những cuộc biểu tình phản đối giá nông sản sụt giảm không còn là hình ảnh mới lạ tại EU trong những năm gần đây. Mới đây, Ủy viên châu Âu phụ trách nông nghiệp P.Hô-gân thừa nhận, các lệnh cấm của Mát-xcơ-va đã gây nhiều khó khăn cho sản xuất nông nghiệp tại một loạt quốc gia và nhiều phân khúc trong ngành nông nghiệp của EU. Khối này mong muốn thảo luận với Mát-xcơ-va về khả năng mở lại hoạt động xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp và thực phẩm sang thị trường Nga. Không chỉ liên quan vấn đề kinh tế, nhiều chuyên gia cho rằng, lệnh trừng phạt nhằm vào một số quan chức tình báo Nga có thể đe dọa hợp tác quân sự giữa hai bên và EU cần xích lại gần Mát-xcơ-va, nếu muốn được tiếp thêm sức mạnh trong nỗ lực chống khủng bố và xử lý các điểm nóng trên thế giới, nhất là tại Xy-ri.
Bên cạnh đó, quyết định kéo dài lệnh trừng phạt Nga đang khoét sâu mâu thuẫn nội bộ EU, trong bối cảnh nhiều nước có quan điểm khác biệt và tranh luận gay gắt chung quanh vấn đề này. Một số quốc gia thành viên bắt đầu cảm thấy mệt mỏi, bởi quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại đan xen, phụ thuộc lẫn nhau giữa hai bên đã dẫn đến những thiệt hại kinh tế nặng nề, khi lệnh trừng phạt có hiệu lực. Bộ trưởng Ngoại giao Đức P.Xtai-mai-ơ thừa nhận, sự phản đối trong EU về việc gia hạn trừng phạt Nga đang gia tăng. Việc tìm kiếm tiếng nói chung trong vấn đề này trở nên khó khăn hơn hồi năm ngoái. Trong khi Hy Lạp, Hung-ga-ri, I-ta-li-a muốn tháo gỡ những cản trở trong mối quan hệ vốn mang lại nhiều lợi ích với Nga, thì Ba Lan và các nước Ban-tích vẫn muốn kiên trì theo đuổi giải pháp này. Trước khi lệnh trừng phạt Nga được gia hạn, hai viện Quốc hội Pháp đã thông qua nghị quyết kêu gọi nới lỏng các biện pháp này. Ngoài ra, chính quyền bốn khu vực của I-ta-li-a và Quốc hội Cộng hòa Síp mới đây cũng thông qua nghị quyết kêu gọi chính phủ các nước này dỡ bỏ lệnh trừng phạt.
Tại Diễn đàn kinh tế quốc tế lần thứ 20 diễn ra tại thành phố Xanh Pê-téc-bua của Nga vừa qua, trước sự có mặt của Chủ tịch Ủy ban châu Âu G.Giăng-cơ, Tổng thống Nga V.Pu-tin nhấn mạnh, việc EU áp đặt các biện pháp trừng phạt Nga liên quan vấn đề U-crai-na, đã dẫn tới sự “đổ vỡ” trong quan hệ song phương, nhưng EU vẫn là một đối tác thương mại chủ chốt của Nga. Tổng thống Nga khẳng định, Mát-xcơ-va sẵn sàng “chìa tay với các đối tác châu Âu”, song thiện chí đó không thể chỉ đến từ một phía.