Ngày 14-9, tại kỳ họp thứ 33 của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc tổ chức tại Geneva, Thụy Sỹ, gần 40 quốc gia đã cùng bày tỏ mối quan ngại về vấn đề leo thang căng thẳng chính trị tại Campuchia.
Trong 15 phút mở màn cuộc họp, ông Keith Harper, đại diện Mỹ tại Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc đã có bài phát biểu thay mặt cho 39 quốc gia. Tuyên bố của 39 nước này cho biết, mặc dù Campuchia đã đạt được một số thành tựu về cải cách hệ thống bầu cử sau những cáo buộc gian lận hồi năm 2013 nhưng môi trường chính trị và xã hội hiện tại không thuận lợi cho việc tiến hành các cuộc tổng tuyển cử quốc gia vào năm 2017 và 2018 tới đây.
Các quốc gia này nhấn mạnh, chỉ có bầu cử tự do và công bằng mới đảm bảo sự hợp pháp của chính phủ mới. “Chúng tôi quan ngại sâu sắc về tình trạng leo thang căng thẳng chính trị hiện nay tại Campuchia. Điều này đe dọa tới hoạt động hợp pháp của các đảng đối lập và các tổ chức phi chính phủ hoạt động vì nhân quyền”.
Trong bài phát biểu, ông Keith Harper đề cập tới tình hình căng thẳng chính trị đang diễn ra tại Campuchia khi chính quyền Thủ tướng Hun Sen tuyên bố sẽ mạnh tay loại bỏ các phần tử “phá hủy trật tự xã hội”.
Trong tuần qua, Hạ viện Mỹ cũng đã thông qua một nghị quyết kêu gọi Thủ tướng Campuchia chấm dứt tất cả mọi hoạt động ngăn cản và đe dọa đối với phe đối lập, các thành viên tổ chức xã hội dân sự và những người biểu tình hòa bình.
Căng thẳng chính trị đã gia tăng tại Campuchia sau khi ông Kem Sokha, Phó Chủ tịch Đảng Cứu nguy Dân tộc Campuchia (CNRP), đảng đối lập chính của Campuchia bị kết án vắng mặt với mức án 5 tháng tù giam với những cáo buộc được cho là mang động cơ chính trị.
Đáp lại, CNRP tuyên bố sẽ tổ chức một phong trào biểu tình quy mô lớn nhằm yêu cầu chính phủ tiến hành cuộc bầu cử tự do, dân chủ và bình đẳng.