Hôm qua, lực lượng cảnh sát biển Ai Cập đã tìm thấy thêm xác 9 người di cư thiệt mạng nâng tổng số người chết trong vụ lật tàu di cư ở Ai Cập lên 52 người. Hiện vẫn còn gần 400 người mất tích.
Hãng thông tấn nhà nước MENA của Ai Cập dẫn các nguồn tin y tế và an ninh cho biết chiếc tàu bị lật ở ngoài khơi Địa Trung Hải, cách thành phố cảng Rosetta của Ai Cập 12 km chở khoảng 600 người. Những người trên tàu chủ yếu mang các quốc tịch Syria, Sudan, Ai Cập và một số nước châu Phi khác. Sau vụ tai nạn, hơn 160 người đã được cứu sống.
Một người dân Ai Cập sống sót sau vụ tai nạn cho biết: "Các thuyền máy đã đưa chúng tôi trong đó có cả những người dân của những nước khác như Syria, Somali về làng tôi. Vụ tai nạn thật kinh hoàng. Xin Chúa thương xót cho linh hồn những người thiệt mạng trong vụ tai nạn này”
Giới chức Ai Cập đang tiếp tục công tác tìm kiếm và cứu trợ nạn nhân. Thủ tướng Ai Cập Sherif Ismail cam kết sẽ hỗ trợ đầy đủ cho việc cứu hộ người bị nạn và khẳng định những người chịu trách nhiệm về sự cố phải được đưa ra công lý.
Từ cuối năm 2015, Ai Cập đã tăng cường các biện pháp nhằm ngăn chặn nạn buôn người và di cư trái phép. Tuy nhiên, các hoạt động di cư trái phép từ các thành phố ven Địa Trung Hải của Ai Cập, trong đó có thành phố Alexandria, đã gia tăng đáng kể trong thời gian qua, đặc biệt sau khi Liên minh châu Âu và Thổ Nhĩ Kỳ đạt được thỏa thuận về người di cư hồi tháng 3/2016.
Bộ Ngoại giao Ai Cập từng chỉ trích thỏa thuận người di cư giữa Liên minh châu Âu và Thổ Nhĩ Kỳ vì lo ngại quốc gia Bắc Phi này sẽ là "bến khởi hành" mới của dòng người di cư từ nhiều nước châu Phi và Trung Đông vượt Địa Trung Hải nhằm tìm kiếm cuộc sống tốt đẹp ở châu Âu. Thực trạng này cũng đang khiến châu Âu lo ngại rằng các phần tử Hồi giáo cực đoan từ bán đảo Sinai của Ai Cập có thể trà trộn vào dòng người di cư để xâm nhập trái phép vào Lục địa già.
Theo báo cáo mới nhất của Liên hợp quốc, hơn 10 nghìn người di cư đã thiệt mạng khi cố vượt Địa Trung Hải để tới châu Âu kể từ năm 2014. Hơn 300 nghìn người tị nạn và di cư đã tới châu Âu qua vùng biển này kể từ đầu năm 2016 tới nay./.