Thế giới 7 ngày: Thỏa thuận ngừng bắn- cơ hội vàng cho Syria?

07:52, 18/09/2016

Thỏa thuận đạt được về lệnh ngừng bắn đem lại hy vọng về giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột kéo dài hơn 5 năm qua.

1. Lệnh ngừng bắn do Nga và Mỹ làm trung gian, chính thức có hiệu lực lúc 19h (giờ địa phương - tức 23h đêm 12/9 - giờ Việt Nam) trên khắp lãnh thổ Syria, trừ các khu vực do lực lượng thánh chiến Hồi giáo kiểm soát. Đây có thể là cơ hội lớn nhất nhằm mang lại hòa bình cho Syria sau hơn 5 năm chìm trong nội chiến khiến 290.000 người thiệt mạng

 

Ngay khi lệnh ngừng bắn có hiệu lực, quân đội Syria đã thông báo ngừng mọi hoạt động quân sự trong vòng 7 ngày. Quân đội Syria cho biết: quá trình ngừng các hoạt động quân sự bắt đầu vào lúc 23h đêm 12/9 và kéo dài đến 4h sáng 19/9 trên lãnh thổ Syria.

 

Tuy nhiên, chỉ 2 ngày sau đó, phía Nga đã xác nhận thỏa thuận ngừng bắn ở Syria đã bị vi phạm tới 60 lần trong vòng 48 giờ kể từ khi bắt đầu có hiệu lực từ 19h ngày 12/9 (theo giờ địa phương). Hầu hết các trường hợp vi phạm là do nhóm vũ trang Ahrar al-Sham gây ra.

 

Ngoài ra, cả hai bên trong cuộc nội chiến tại Syria là quân đội Syria được Nga hậu thuẫn và các nhóm vũ trang đối lập cũng đưa ra cáo buộc lẫn nhau về việc vi phạm lệnh ngừng bắn toàn diện do Nga và Mỹ bảo trợ.

 

2. Thỏa thuận ngừng bắn tại Syria vừa đạt được nhận được phản ứng khác nhau của các chính trị gia trên thế giới

 

Cao ủy phụ trách An ninh và Đối ngoại của Liên minh châu Âu Federica Mogherini hoan nghênh thỏa thuận này và kêu gọi Liên Hợp Quốc chuẩn bị đề xuất cho các cuộc đàm phán chuyển đổi chính trị tại Syria.

 

Ngoại trưởng Anh Boris Johnson kêu gọi Nga sử dụng tất cả ảnh hưởng của mình để đảm bảo rằng chính phủ Syria tuân thủ các nghĩa vụ theo thỏa thuận ngừng bắn vừa đạt được giữa Moscow và Washington.

 

Hôm 14/9, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã nhất trí gia hạn thỏa thuận ngừng các hoạt động thù địch tại Syria thêm 48 tiếng. Điều này được nhận định là sẽ giúp tăng cường hoạt động hỗ trợ nhân đạo cho các nạn nhân của cuộc nội chiến tại Syria.

 

3. Tổng thống Philippines Duterte ngày 13/9 tuyên bố sẽ không tuần tra chung với Mỹ ở Biển Đông và dự định mua vũ khí từ Nga và Trung Quốc

 

Tuyên bố trên được ông Duterte đưa ra chỉ một ngày sau khi ông nói rằng muốn các lực lượng Mỹ rút khỏi miền Nam Philippines. Những động thái liên tiếp này đang khiến dư luận đặt câu hỏi về sự rạn nứt trong quan hệ giữa hai đồng minh lâu năm.

 

Ngay sau đó, ngày 15/9 phát biểu tại thủ đô Washington, Mỹ, Ngoại trưởng Philippines Perfecto Yasay lên tiếng khẳng định, những tuyên bố gây sốc của Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte nhằm vào Mỹ hoàn toàn là do bị hiểu nhầm.

 

Theo đó, việc ông Duterte yêu cầu đặc nhiệm Mỹ rút khỏi phía Nam Philippines chỉ là một giải pháp tạm thời nhằm tránh những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra khi quân đội Philippines mở chiến dịch tấn công phiến quân Abu Sayyaf.

 

Cũng theo ông Yasay, ông Duterte chỉ phản đối các cuộc tuần tra chung trên biển với Mỹ gây ảnh hưởng tiêu cực đến “vùng đặc quyền kinh tế của Philippines” chứ không phản đối các cuộc tuần tra chung trong khu vực 12 hải lý của nước này.

 

Ngoại trưởng Yasay cũng lên tiếng bác bỏ mọi lời chỉ trích của Mỹ nhằm vào cuộc chiến chống ma túy của Philippines khiến hàng nghìn người thiệt mạng.

 

4. Liên quan đến Tổng thống Philippines Duterte,  ngày 15/9 một cựu quân nhân Philippines đã tố cáo Tổng thống Rodrigo Duterte khi còn là thị trưởng từng ra lệnh cho anh ta phải giết nhiều người

 

Trong phiên điều trần trước Thượng viện Philippines, Edgar Matobato, 57 tuổi nói rằng ông ta từng là thành viên của một đội chuyên làm nhiệm vụ bắt cóc, truy quét và ám sát những phần tử được cho là tội phạm. Hành động này nằm dưới sự chỉ đạo của Thị trưởng thành phố Davao lúc đó là ông Duterte. “Biệt đội sát thủ” này được cho là đã thủ tiêu khoảng 1000 người.

 

Người phát ngôn của Tổng thống Philippines, ông Martin Andanar đã bác bỏ các cáo buộc này và nói rằng cuộc điều tra của chính phủ vào thời gian ông Duterte làm thị trưởng thành phố Davao là vô ích và không đưa ra được bằng chứng xác thực nào.

 

5. Tổng thống Mỹ Barack Obama hôm 14/9 tuyên bố, Mỹ sẽ dỡ bỏ lệnh trừng phạt Myanmar trong thời sớm nhất, đồng thời cho rằng tiến trình dân chủ tại nước này đang đi đúng hướng

 

Phát biểu trong buổi tiếp cố vấn nhà nước Myanmar - Aung San Suu Kyi tại phòng Bầu dục, Tổng thống Obama nêu rõ: "Mỹ sẵn sàng dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt áp đặt lâu nay với Myanmar. Đó là điều đúng đắn cần làm để đảm bảo rằng người dân Mianma được tưởng thưởng từ một đường lối kinh tế mới và chính phủ mới.”

 

6. Trong lễ tưởng niệm Ngày 11/9, ứng cử viên Tổng thống của đảng Dân chủ, bà Hillary Clinton đột nhiên khuỵu xuống và phải chăm sóc sức khỏe. Sau đó bà cũng hủy chuyến thăm và làm việc tại bang California. Những vụ việc này khiến dư luận Mỹ dấy lên những câu hỏi về tình trạng sức khỏe của cả 2 ứng cử viên tổng thống của 2 đảng

 

Ứng cử viên Tổng thống của đảng Dân chủ, bà Hillary Clinton ngày 15/9đã chính thức quay trở lại cuộc đua vận động tranh cử khi có bài phát biểu trước đám đông người ủng hộ tại bang Bắc Carolina, sau 3 ngày tạm dừng mọi hoạt động để tập trung dưỡng bệnh. Trước đó một ngày, bà Hillary Clinton cũng đã cho công bố thêm các chi tiết về tình hình sức khỏe, trong đó có thông tin bác sĩ riêng của bà khẳng định, cựu ngoại trưởng Mỹ “đang ở trạng thái tinh thần tuyệt vời”.

 

Tỷ phú Mỹ Donald Trump ngày 15/9 cũng đã công bố bức thư về tình hình sức khỏe của ông do chính bác sĩ của ông, ông Harold Bornstein viết. Theo đó, ông Trump đang phải uống thuốc để hạ chỉ số cholesterol và có nguy cơ béo phì. Tuy nhiên, bức thư này khẳng định, sức khỏe của ông Trump “rất tốt”.

 

Theo cuộc thăm dò do công ty Reuters/Ipsos tiến hành và công bố ngày 16/9, cựu ngoại trưởng Mỹ Clinton đang dẫn trước tỷ phú bất động sản Donald Trump 4 điểm với tỷ lệ ủng hô tương ứng là 42% và ông Trump là 38%.

 

7. Tình hình trên bán đảo Triều Tiên đang xấu đi với việc Triều Tiên thử hạt nhân còn Mỹ có khả năng điều tàu sân bay tới đây tập trận cùng Hàn Quốc

 

Việc Triều Tiên ngày 9/9 công bố tiến hành thử thành công vụ nổ hạt nhân khiến giới phân tích có nhiều nhận định về năng lực hạt nhân của nước này.

 

Đây là vụ thử hạt nhân lớn nhất của Triều  Tiên từ trước đến nay. Ngoại trưởng Hàn Quốc Yun Byung-se cũng thực sự bày tỏ lo ngại về năng lực hạt nhân của Triều Tiên.

 

Theo đánh giá của giới phân tích, chương trình hạt nhân của Triều Tiên đang được đẩy mạnh qua hàng loạt vụ phóng tên lửa và thử hạt nhân. Rõ ràng, Triều Tiên vẫn tìm cách khẳng định vị thế là một cường quốc hạt nhân trên thế giới. Vì vậy, cộng đồng quốc tế cần xem xét một cách nghiêm túc về vị thế hạt nhân hiện nay của Triều Tiên.

 

Ngay sau khi Triều Tiên tiến hành vụ thử hạt nhân, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc ngày 10/9 đã nhất trí lập tức khởi động quá trình soạn thảo một nghị quyết trừng phạt mới nhằm vào Triều Tiên.

 

8. Sáng sớm 15/9, sau khi quét qua Đài Loan, siêu bão Meranti đổ bộ vào thành phố duyên hải Hạ Môn, tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc gây mưa to và gió lớn

 

Một số khu vực của thành phố Hạ Môn (Phúc Kiến) rơi vào cảnh mất điện, các tuyến cao tốc đóng cửa chỉ ít giờ sau khi bão đổ bộ. Truyền thông nhà nước Trung Quốc chiếu cảnh nhiều tuyến phố ở Hạ Môn bị ngập, cây đổ, xe ô tô bị bẹp rúm trong khi các nhân viên cứu hộ khẩn trương dùng xuồng sơ tán cư dân. Theo Tân Hoa xã, nhiều vùng ở Hạ Môn bị mất điện, mất nước, cửa kính trên một số tòa nhà cao tầng vỡ vụn.

 

Truyền thông Trung Quốc đưa tin, đây là trận bão mạnh nhất tràn vào một phần lãnh thổ nước này kể từ năm 1949 và là trận siêu bão mạnh nhất trên thế giới kể từ đầu năm đến nay./.