Reuters đưa tin, ngày 31-8, Thượng viện Brazil đã kết thúc quá trình luận tội đối với Tổng thống Dilma Rousseff. Cụ thể, với 61 phiếu thuận và 20 phiếu chống, Thượng viện Brazil chính thức bãi nhiệm Tổng thống Rousseff trong phiên tòa chính trị xét xử người đứng đầu nhà nước.
Bà Rousseff bị Quốc hội đình chỉ chức vụ từ ngày 12-5 để Quốc hội tiến hành quá trình xét xử với cáo buộc vi phạm Luật Ngân sách và Luật Trách nhiệm Tài chính.
Ngay sau cuộc bỏ phiếu của Thượng viện Brazil, ông Michel Temer, phó Tổng thống điều hành đất nước từ khi bà Rousseff bị đình chỉ chức vụ hồi tháng 5-2016 đến nay đã tuyên thệ nhậm chức tại Quốc hội, chính thức đảm nhận vị trí Tổng thống Brazil đến hết năm 2018.
Trong tuyên bố của mình trên sóng truyền hình quốc gia, ông Michel Temer mô tả việc loại bỏ bà Rousseff giống như việc mở ra một con đường dẫn đến những đổi thay lớn ở Brazil, đồng thời kêu gọi toàn dân đoàn kết vực dậy nền kinh tế trì trệ hiện nay với tỷ lệ thất nghiệp lên tới hơn 11%.
“Khoảnh khắc này là một trong những niềm hy vọng và khôi phục lòng tin ở Brazil. Sự bất ổn chắc chắn đã kết thúc”, ông Temer nói.
Đứng bên ngoài dinh thự Tổng thống cùng những người ủng hộ, bà Rousseff khẳng định mình vô tội và nói việc bãi nhiệm bà là một “cuộc đảo chính trong Quốc hội” có sự hỗ trợ của một số người có ảnh hưởng về kinh tế.
“Họ nghĩ rằng họ đánh bại chúng tôi nhưng thực tế là họ đang nhầm lẫn. Tại thời điểm này, tôi sẽ không nói lời tạm biệt các bạn bởi tôi chắc chắn mình sẽ còn trở lại”, bà Rousseff nói.
Ngay sau diễn biến chính trị mới nhất ở Brazil, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ John Kirby tuyên bố, Washington tin rằng các mối quan hệ song phương vững mạnh với Brazil sẽ được duy trì. Ông Kirby cũng lưu ý rằng, các thể chế dân chủ ở Brazil đã hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp của quốc gia Nam Mỹ này.
Không có thái độ chung chung giống Mỹ, các nước ở khu vực Mỹ Latin đã có phản ứng khá mạnh đối với quyết định bãi nhiệm Tổng thống Dilma Rousseff của Thượng viện Brazil. Venezuela, Bolivia và Ecuador tuyên bố sẽ rút Đại sứ khỏi Brazil.
Trong một tuyên bố, Bộ Ngoại giao Venezuela chỉ trích việc bãi nhiệm bà Rousseff, xem đây như là một “cuộc đảo chính tại Quốc hội”.
Bộ Ngoại giao Venezuela nêu rõ, nước này quyết định rút Đại sứ tại Cộng hòa Liên bang Brazil, và đóng băng các mối quan hệ chính trị, ngoại giao với Chính phủ được hình thành từ “cuộc đảo chính tại Quốc hội”.
Đáp lại, Bộ Ngoại giao Brazil cùng ngày cho biết, Chính phủ nước này đã triệu hồi Đại sứ tại Venezuela để tham vấn sau khi Caracas chỉ trích việc bãi nhiệm Tổng thống bị luận tội Dilma Rousseff cũng như rút đại sứ khỏi Brasilia.
Ngoài ra, Brazil cũng triệu hồi Đại sứ tại Bolivia và Ecuador sau khi các chính phủ cánh tả của những quốc gia này chỉ trích quyết định của Thượng viện Brazil bãi nhiệm bà Rousseff./