UNESCO: Cần cải cách giáo dục để đạt được các mục tiêu phát triển toàn cầu

15:37, 07/09/2016

Theo báo cáo vừa được Tổ chức Giáo dục, khoa học và văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) công bố ngày 6/9, giáo dục cần thay đổi triệt để nhằm thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững và loại bỏ các thách thức mà nhân loại và trái đất hiện đang phải đối mặt.

Báo cáo giám sát toàn cầu về giáo dục cho thấy, cần khẩn cấp đẩy nhanh các tiến bộ trong lĩnh vực giáo dục. Với nhịp độ hiện nay, thế giới sẽ đạt phổ cập giáo dục tiểu học vào năm 2042, giáo dục trung học ở chu kỳ toàn cầu đầu tiên vào năm 2059 và giáo dục trung học ở chu kỳ toàn cầu thứ hai vào năm 2084. Điều này có nghĩa là chậm hơn nửa thế kỷ so với thời hạn năm 2030 từng được ấn định để thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững.

 

Theo báo cáo với nhan đề: “Giáo dục phục vụ người dân và trái đất”, các hệ thống giáo dục cần quan tâm nhiều hơn tới các vấn đề môi trường. Báo cáo nhấn mạnh, trong phần lớn các quốc gia, giáo dục cần định hướng và chỉ dẫn tốt hơn cho việc nâng cao nhận thức về vấn đề biến đổi khí hậu; trong khi các chương trình giáo dục của một nửa số quốc gia trên thế giới không đề cập một cách rõ ràng tới biến đổi khí hậu trong nội dung giảng dạy. Tại các nước thuộc Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), gần 40% số học sinh ở độ tuổi 15 không có hiểu biết cơ bản về các vấn đề môi trường.

 

Tổng giám đốc UNESCO, bà Irina Bokova tuyên bố nêu rõ: “Chúng ta phải thay đổi triệt để cách thức mà chúng ta nhìn nhận vai trò của giáo dục trong quá trình phát triển thế giới, bởi vì nó đóng vai trò như một chất xúc tác cho hạnh phúc của mỗi cá nhân và tương lai của trái đất chúng ta”.

 

Các hệ thống giáo dục phải bảo đảm bảo tồn các nền văn hóa dân tộc thiểu số và ngôn ngữ của họ, trong đó có chứa đựng nhiều thông tin cần thiết về chức năng của các hệ sinh thái. Tuy nhiên, báo cáo cho thấy 40% dân số thế giới tiếp nhận một nền giáo dục trong một ngôn ngữ mà họ không hiểu.

 

Thêm vào đó, các hệ thống giáo dục cũng phải bảo đảm cung cấp cho con người những kỹ năng và kiến ​​thức thiết yếu có khả năng tạo thuận lợi cho việc chuyển đổi sang các ngành công nghiệp xanh hơn và tìm giải pháp mới cho những vấn đề môi trường. Đặc biệt, cần tiếp tục giáo dục bên ngoài  bức tường của các ngôi trường, trong cộng đồng và tại nơi làm việc trong suốt tuổi trưởng thành. Song thực tế hiện cho thấy 2/3 số người trưởng thành không có khả năng tài chính cơ bản; chỉ có 6% người trưởng thành ở các nước nghèo nhất tham gia vào chương trình xóa mù chữ.

 

"Nếu chúng ta muốn có một hành tinh xanh hơn và một tương lai bền vững cho tất cả mọi người, chúng ta phải yêu cầu nhiều hơn đối với các hệ thống giáo dục của chúng ta thay vì chỉ đơn giản là truyền tải kiến ​​thức" – ông Aaron Benavot, Giám đốc Báo cáo giám sát nhấn mạnh.

 

Ngoài ra, việc cấp thiết là các hệ thống giáo dục cần truyền tải những kỹ năng có chất lượng tốt hơn, đáp ứng nhu cầu của các nền kinh tế đang phát triển trong bối cảnh tại đây, các kỹ năng chuyên nghiệp phát triển một cách nhanh chóng, nhiều trong số đó được tự động hóa. Với tốc độ hiện nay, đến năm 2020, chúng ta sẽ thiếu hụt 40 triệu lao động có giáo dục đại học so với nhu cầu. Báo cáo cho thấy sự thay đổi này là rất quan trọng: việc đạt được một nền giáo dục trung học phổ thông ở chu kỳ thứ hai vào năm 2030 tại các nước có thu nhập thấp sẽ giúp 60 triệu người thoát khỏi nghèo đói vào năm 2050.

 

Theo báo cáo, tình trạng bất bình đẳng trong giáo dục, cùng với khoảng cách chênh lệch lớn hơn, làm tăng nguy cơ bạo lực và xung đột. Trong 22 quốc gia thuộc châu Phi cận Sahara, những vùng có mức giáo dục trung bình rất thấp có 50% nguy cơ phải trải qua một cuộc xung đột trong vòng 21 năm. Trong bối cảnh đó, báo cáo kêu gọi các chính phủ bắt đầu xem xét một cách nghiêm túc tình trạng bất bình đẳng về giáo dục và thống kê bằng cách thu thập thông tin trực tiếp từ các gia đình./.