Cựu Thủ tướng Bồ Đào Nha gần như chắc chắn trở thành Tổng Thư ký LHQ mới

16:27, 06/10/2016

Cựu Thủ tướng Bồ Đào Nha Antonio Guterres gần như chắc chắn sẽ trở thành Tổng Thư ký Liên hợp quốc (LHQ) thứ chín và dự kiến sẽ chính thức được Hội đồng Bảo an LHQ trình đề cử lên Đại hội đồng LHQ để bỏ phiếu vào ngày 6-10.

Phát biểu trước báo giới, ngày 5-10, Đại sứ Nga tại LHQ Vitaly Churkin, Chủ tịch luân phiên của Hội đồng Bảo an LHQ trong tháng 10 cho biết, ông hy vọng Hội đồng Bảo an sẽ nhất trí đề cử ông Guterres làm Tổng Thư ký tiếp theo của LHQ.

 

“Hôm nay, sau sáu vòng bỏ phiếu không chính thức, chúng tôi đã tìm ra người được ủng hộ nhất là ông Antonio Guterres”, ông Churkin phát biểu trước báo giới cùng với sự hiện diện của 14 đại diện các nước thành viên Hội đồng Bảo an.

 

“Chúng tôi hy vọng ông Guterres sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình trên cương vị là Tổng Thư ký LHQ trong vòng 5 năm tới”, ông Churkin nói.

 

Ông Antonio Guterres, 67 tuổi, là Thủ tướng Bồ Đào Nha từ năm 1995 đến 2002. Ông cũng từng đảm nhận cương vị Cao ủy LHQ về người tị nạn từ tháng 6-2005 đến tháng 12-2015. Nếu được chính thức bầu làm Tổng Thư ký LHQ, ông Guterres sẽ kế nhiệm ông Ban Ki-moon, 72 tuổi, quốc tịch Hàn Quốc, sẽ mãn nhiệm vào cuối năm 2016 sau hai nhiệm kỳ.

 

Hội đồng Bảo an LHQ đã tổ chức các cuộc bỏ phiếu kín không chính thức kể từ tháng 7-2016 để đạt được sự đồng thuận về một ứng cử viên. Các thành viên Hội đồng Bảo an bỏ phiếu với ba lựa chọn “khuyến khích”, “không khuyến khích” và “không có ý kiến”. Ông Guterres đã luôn ở vị trí dẫn đầu trong các cuộc bỏ phiếu và trong cuộc bỏ phiếu ngày 5-10, ông nhận được 13 phiếu “khuyến khích” và hai phiếu “không có ý kiến”.

 

Các nguồn tin ngoại giao cho biết, một trong số hai phiếu “không ý kiến” là của một trong năm thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an bao gồm: Mỹ, Anh, Pháp, Nga và Trung Quốc.

 

Hội đồng Bảo an sẽ thông qua một nghị quyết, khuyến nghị Đại hội đồng LHQ bổ nhiệm ông Guterres làm Tổng Thư ký LHQ trong nhiệm kỳ 5 năm bắt đầu từ ngày 1-1-2017. Nghị quyết này cần có chín phiếu ủng hộ và không có phiếu phủ quyết để được thông qua.