Tuần hành lớn kêu gọi chấm dứt xung đột vũ trang tại Colombia

17:41, 21/10/2016

Ngày 20-10, hàng nghìn người Colombia đã xuống đường tại nhiều thành phố lớn tham gia tuần hành kêu gọi chấm dứt xung đột vũ trang và ủng hộ việc ký kết thỏa thuận hòa bình giữa chính phủ và Lực lượng Vũ trang cách mạng Colombia (FARC).

Tại khu vực Mỹ Latinh, những người biểu tình bao gồm sinh viên, nạn nhân cuộc nội chiến và đại diện các tổ chức xã hội, đều bày tỏ mong muốn góp phần xây dựng một nền hòa bình dài lâu, vì sự bình yên và tương lai của đất nước. Đây là lần thứ ba kể từ sau khi các cử tri Colombia không thông qua thỏa thuận hòa bình đã được ký giữa Tổng thống Juan Manuel Santos và FARC trong cuộc trưng cầu dân ý hôm 2-10.

 

Cùng ngày, cuộc họp giữa đại diện đảng Trung tâm Dân chủ đối lập của cựu Tổng thống Colombia Alvaro Uribe, người đứng đầu phong trào phản đối thỏa thuận hòa bình, và luật sư Enrique Santiago, đại diện của FARC, để thảo luận về thỏa thuận hòa bình đã bị hủy bỏ. Theo dự kiến, tại cuộc họp này, đại diện của ông Uribe sẽ đề xuất những thay đổi trong thỏa thuận hòa bình đã được ký hôm 26-9 vừa qua giữa Chính phủ và FARC.

 

Trên tài khoản Twitter, đại diện đoàn đàm phán của FARC Félix Antonio Muñoz bày tỏ các bên tham gia đàm phán sẽ chỉ bao gồm chính phủ và FARC. Ông khẳng định Tổng thống Santos cần lắng nghe ý kiến của phe đối lập chứ không thể hợp pháp hóa sự hiện diện của “những kẻ phá hoại”.

 

Trước đó, ngày 19-10, cựu Tổng thống Uribe đã đề xuất thành lập một bàn đàm phán chung giữa Chính phủ, FARC và đại diện của phe phản đối thỏa thuận hòa bình, đồng thời cho rằng mọi người dân Colombia đều mong muốn hòa bình, tuy nhiên cần sửa đổi thỏa thuận hòa bình đã được ký kết.

 

Hiện Tổng thống Santos đang nỗ lực thương lượng với các thế lực chính trị và xã hội để hòa giải dân tộc nhằm cứu vãn thỏa thuận đã đạt được sau gần 4 năm kiên trì đàm phán, hướng tới nền hòa bình. Trong cuộc trưng cầu dân ý ngày 2-10, thỏa thuận hòa bình trên bị bác bỏ với tỷ lệ sít sao, khi 50,8% số cử tri bỏ phiếu trả lời “Không” với thỏa thuận. Tuy nhiên, tỷ lệ cử tri tham gia thấp, chỉ 37%, được cho là một trong những nguyên nhân chính dẫn tới kết quả đầy bất ngờ này./