Ngày 21-11, Thủ tướng Đức Angela Merkel chính thức thông báo sẽ tái tranh cử vào năm tới. Tuyên bố trên được “bà đầm thép” đưa ra sau những đồn đoán trái chiều sự nghiệp chính trị của bà sau nhiệm kỳ thứ ba đầy sóng gió với những khủng hoảng kinh tế và nhập cư làm Châu Âu lao đao.
Theo các nhà quan sát, việc tái ứng cử là một quyết định hết sức khó khăn với bà A.Merkel, dù trong 11 năm cầm quyền vừa qua, “người phụ nữ quyền lực nhất thế giới” - theo bầu chọn của Tạp chí Forbes - được ca ngợi là đã giúp đưa nền kinh tế lớn nhất Châu Âu vượt qua khủng hoảng tài chính và khủng hoảng của Khu vực đồng tiền chung Châu Âu (Eurozone). Vị thế của nước Đức cũng liên tục gia tăng trên các diễn đàn quốc tế. Giai đoạn 2003-2005, tỷ lệ người dân ủng hộ bà A.Merkel luôn ở mức cao.
Tuy nhiên, gần đây, nhà lãnh đạo 62 tuổi này đã trải qua những ngày không yên ả khi phải hứng chịu những chỉ trích liên quan đến việc xử lý cuộc khủng hoảng nhập cư. Chính sách mở cửa nước Đức để đón nhận hơn 1 triệu người tị nạn từ Trung Đông trong 2 năm qua làm dấy lên những lo ngại về nguy cơ khủng bố và khiến uy tín của bà sụt giảm mạnh. Theo tuần báo Die Zeit, quyền lực của bà A.Merkel đang đi xuống trong khi đảng Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU) cầm quyền chỉ chiếm được khoảng 32-33% tỷ lệ ủng hộ, giảm 10 điểm so với thời điểm diễn ra cuộc bầu cử Thủ tướng vào năm 2013.
Còn ông Thomas Oppermann - một nhà lãnh đạo của đảng Dân chủ xã hội (SPD) - tuyên bố nhà lãnh đạo Đức không còn là nhân vật “bất khả chiến bại”. Một kết quả thăm dò dư luận gần đây đăng tải trên tờ “Bild am Sonntag” cho hay, bà A.Merkel được 55% người dân Đức ủng hộ ở lại chức vụ là người đứng đầu Chính phủ cho 4 năm tiếp theo, 39% người được hỏi bày tỏ họ chống lại việc bà được tái cử.
Ngay Thủ tướng A.Merkel cũng phải thừa nhận cuộc bầu cử lập pháp tại Đức dự kiến diễn ra vào tháng 9 hoặc tháng 10-2017 sẽ là cuộc bầu cử "khó khăn nhất" kể từ sau khi nước Đức thống nhất vào năm 1990 do sự phân cực trong xã hội và sự nổi lên gần đây của cánh hữu mang tư tưởng dân túy chống người nhập cư. Điều này được minh chứng tại các cuộc bầu cử địa phương năm 2016, khi cánh hữu đã nhận được sự ủng hộ của nhiều cử tri chống đối việc mở cửa biên giới Đức. Nếu vẫn tiếp tục nhận được sự tín nhiệm của đa số cử tri trong cuộc bầu cử sắp tới, nữ Thủ tướng 62 tuổi cũng phải đối mặt với rất nhiều thách thức mà Cựu lục địa đang gặp phải, đặc biệt với sự ra đi của nước Anh khỏi Liên minh Châu Âu (EU). Bên cạnh đó là nhiều hồ sơ gai góc như mối quan hệ với chính quyền mới của Mỹ do Tổng thống Donald Trump điều hành hay các quan hệ với Nga.
Thế nhưng, chính bối cảnh được dự báo có nhiều chuyển biến khó lường như vậy, bà A.Merkel - với bề dày kinh nghiệm chính trường - lại nhận được nhiều sự ủng hộ từ các thành viên EU khác. Vì thế, quyết định của “bà đầm thép” được hoan nghênh ở nhiều nước đồng minh như một tín hiệu cho sự ổn định của Châu Âu sau cú sốc Brexit và những thay đổi tiềm tàng ở bên kia bờ Đại Tây Dương.
Cho tới thời điểm này, vẫn chưa có “gương mặt” nổi trội nào được cho là có thể vượt qua được bà A.Merkel. Nếu thắng cử trong cuộc bầu cử năm sau, chính trị gia kỳ cựu này sẽ cân bằng được kỷ lục số nhiệm kỳ tại vị mà Thủ tướng Đức Helmut Kohl làm được. Luật pháp Đức không có hạn chế về nhiệm kỳ với chức vụ cao cấp này. Tuy nhiên, vẫn còn gần một năm nữa, cuộc bầu cử mới diễn ra. Bất ngờ có thể xảy ra vào những phút chót. Vì vậy khả năng trúng cử nhiệm kỳ thứ tư của bà A.Merkel vẫn còn để ngỏ.