Quan hệ EU - Thổ Nhĩ Kỳ: Những diễn biến khó lường

10:40, 25/11/2016

Trong Hội nghị Tổ chức hợp tác Hồi giáo (OIC) tại Istanbul vừa diễn ra, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan bất ngờ tuyên bố, cuộc bỏ phiếu của Nghị viện Châu Âu (EP) để quyết định có tạm dừng đàm phán với nước này về việc gia nhập Liên minh Châu Âu (EU) hay không là "hoàn toàn không có giá trị".

Động thái này là một bằng chứng nữa cho thấy mối quan hệ giữa hai bên tiếp tục xấu đi. Tổng thống R.Erdogan cũng nhấn mạnh, Ankara coi trọng các giá trị Châu Âu hơn nhiều quốc gia EU, song Thổ Nhĩ Kỳ không nhìn thấy bất cứ sự ủng hộ nào từ các nước "bè bạn phương Tây".

 

Đề xuất tạm dừng tiến trình đàm phán kết nạp quốc gia nằm giữa hai lục địa Á - Âu do một số nghị sĩ hàng đầu của EP nêu ra - được cho là bắt nguồn từ việc Ankara đã mạnh tay truy quét quy mô lớn sau vụ đảo chính bất thành ngày 15-7 vừa qua. Kể từ đó tới nay, Thổ Nhĩ Kỳ đã bắt giam và đình chỉ công tác 125.000 người, bao gồm cả các quân nhân, học giả, nhà báo, chánh án, luật sư và chính khách người Kurd để phục vụ điều tra. Tổng thống R.Erdogan cho rằng, những biện pháp này là cần thiết để làm suy yếu mạng lưới của giáo sĩ Fethullah Gulen, nhân vật bị cáo buộc đứng đằng sau âm mưu đảo chính. Nhưng hành động của Ankara vẫn vấp phải sự chỉ trích của các nước Châu Âu do những lo ngại về vi phạm nhân quyền. Mới đây, Chủ tịch EP Martin Schulz đã cảnh báo có thể trừng phạt kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ nếu các biện pháp cứng rắn được xem như các cuộc trấn áp không chấm dứt. Trong khi đó, Chủ tịch Ủy ban Châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker từng khuyến cáo, nếu chính quyền của Ankara vẫn nhất quyết khôi phục án tử hình thì vĩnh viễn nước này sẽ không được gia nhập EU.

 

Bên cạnh nguyên nhân này, những khác biệt trong quan điểm về mối quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ giữa các thành viên đã khiến EU không thể đưa ra quyết định “chiều lòng” Ankara. Trong khi Áo và Luxembourg đã yêu cầu ngừng các cuộc đàm phán gia nhập EU của Thổ Nhĩ Kỳ thì Đức, Pháp và phần lớn các quốc gia EU khác lại chủ trương tiếp tục cam kết với Ankara vì lo ngại nguy cơ Thổ Nhĩ Kỳ sẽ ngừng hợp tác về vấn đề người di cư. Cho dù chuẩn bị rời khỏi EU, Anh cũng không muốn gây thêm căng thẳng với quốc gia Hồi giáo này nhằm giữ gìn quan hệ, tiến tới thúc đẩy các thỏa thuận thương mại song phương.

 

Thêm vào đó, với thực trạng hơn 1,3 triệu người đã đổ về Châu Âu vào năm 2015, bất đồng giữa các nước thành viên EU về vấn đề nhập cư cũng ngày càng gia tăng. Như nắm được tâm lý đó, Tổng thống R.Erdogan mới đây lại cảnh báo sẽ mở cửa biên giới để hàng triệu người di cư tràn vào Lục địa già nếu không nhận thấy tiến triển trong các cuộc đàm phán gia nhập EU. Trong bối cảnh hầu như phụ thuộc vào Thổ Nhĩ Kỳ nhằm ngăn chặn làn sóng tị nạn từ Trung Đông, EU đang ở trong một tình thế khá khó khăn vì không thể từ bỏ những tiêu chuẩn Châu Âu để đáp ứng yêu cầu của Ankara, trong khi cũng rất khó từ chối một đối tác như Thổ Nhĩ Kỳ.

 

Sau gần 30 năm đàm phán nhưng ước mơ gia nhập ngôi nhà chung không đem lại nhiều tiến triển, Thổ Nhĩ Kỳ đã gửi đi những thông điệp mạnh mẽ về tương lai của họ. Tổng thống R.Erdogan tuyên bố, Thổ Nhĩ Kỳ có thể sẽ tổ chức một cuộc trưng cầu ý dân vào năm tới về việc có cần thiết tiếp tục các cuộc đàm phán gia nhập EU nữa hay không. Gần đây nhất, nhà lãnh đạo quyết đoán này đã “gây sốc” khi cho biết Ankara không nhất thiết phải tham gia EU mà có thể cân nhắc ý định gia nhập Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) - bao gồm Trung Quốc, Nga và 4 quốc gia Trung Á gồm Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan, Uzbekistan. Tuyên bố này cho thấy một hướng tiếp cận mới của Ankara trong bối cảnh EU chưa thể đưa ra một câu trả lời rõ ràng.

 

Do vậy, nếu các nước EU không thể tìm thấy một tiếng nói chung trong cuộc họp tại Brussels (Bỉ) về vấn đề Thổ Nhĩ Kỳ trong hai ngày 15, 16-12 tới, mối quan hệ giữa hai bên chắc chắn sẽ còn phức tạp với những diễn biến rất khó lường trong thời gian tới.