10 sự kiện thế giới nổi bật năm 2016

13:35, 29/12/2016

Năm 2016 đang dần khép lại với nhiều sự kiện nổi bật trong các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa… tác động đến mọi mặt của đời sống nhân loại. Sau đây là 10 sự kiện quốc tế tiêu biểu do Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam bình chọn.

1. Tòa Trọng tài Quốc tế bác tuyên bố phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông


Sau ba năm xem xét đơn kiện với 4.000 trang tài liệu chứng cứ và hai lần phân xử, ngày 12/7, Toà trọng tài thường trực (PCA) tại The Hague, Hà Lan đã phán quyết: "Bắc Kinh không có quyền lịch sử ở Biển Đông”. Phán quyết cũng nêu rõ, tuyên bố chủ quyền “đường lưỡi bò” (hay đường 9 đoạn) - cái mà Trung Quốc gọi là “quyền lịch sử” là trái ngược với Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS).

 

UNCLOS cho phép PCA đưa ra phán quyết mang tính ràng buộc về mặt pháp lý song lại không có quyền thực thi phán quyết hay buộc các bên phải tuân thủ phán quyết và việc tuân thủ phán quyết là tùy thuộc vào các bên. Tuy nhiên, phán quyết của PCA đã được đánh giá là sẽ giúp gia tăng áp lực quốc tế đối với Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông.

 

2. Lãnh tụ Cuba Fidel Castro qua đời

 

Người dân Cuba tham dự lễ mít tinh tưởng niệm Lãnh tụ Fidel Castro

tại Quảng trường Cách mạng Antonio Maceo ở Santiago de Cuba. (Nguồn: TTXVN)

 

Lãnh tụ Fidel Castro, biểu tượng cách mạng Cuba, qua đời vào tối ngày 25/11 tại thủ đô Havana, ở tuổi 90, để lại sự tiếc thương cho những người yêu chuộng hòa bình và tiến bộ trên thế giới.

 

Fidel Castro sinh ngày 13/8/1926. Ông là người đã ghi danh Cuba vào lịch sử nhân loại với cuộc cách mạng lật đổ chế độ độc tài Batista, dẫn dắt quốc gia Caribe này đến con đường độc lập. Cả cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Fidel Castro là nguồn truyền cảm hứng của tinh thần cách mạng, đấu tranh vì tiến bộ, tự do và công bằng xã hội.

 

3. Bầu cử Tổng thống Mỹ với kết quả bất ngờ

 

Tỷ phú Donald Trump bất ngờ giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2016. (Ảnh: Reuters)

 

Sau những diễn biến đầy kịch tính và bất ngờ tới phút chót, ứng cử viên đảng Cộng hòa Donald Trump đã vượt qua đối thủ Hillary Clinton để giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ diễn ra vào tháng 11/2016.

 

Chiến thắng của Donald Trump được coi là một bất ngờ bởi ở thời điểm ban đầu, rất ít người cho rằng vị tỷ phú này có thể trở thành Tổng thống Mỹ. Ông bị đánh giá lép vế hơn các đối thủ ở cùng đảng Cộng hòa, chưa kể tới trước ưu thế áp đảo của đối thủ đảng Dân chủ là cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton…Trong quá trình tranh cử, ông Donald Trump đã có nhiều phát biểu, chính sách và đường lối chính trị gây tranh cãi liên quan tới vấn đề người nhập cư, phân biệt đối xử nam nữ, tăng cường bảo hộ thương mại…Chính vì thế, việc ông Donald Trump trở thành Tổng thống đầu tiên của nước Mỹ xuất thân từ tầng lớp doanh nhân hứa hẹn sẽ mang lại nhiều thay đổi trong chính sách tương lai của nước Mỹ.

 

4. Bước đột phá trong quan hệ Nga – Thổ Nhĩ Kỳ

 

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayip Erdogan (phải) gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin tại thành phố Saint Peterburg ngày 9/8. (Ảnh: EPA).

 

Cuối tháng 6/2019, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã có hành động phá băng khi quyết định gỡ bỏ lệnh cấm du lịch tới Thổ Nhĩ Kỳ sau khi người đồng nhiệm Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tỏ rõ thiện chí hàn gắn mối quan hệ song phương.

 

Đây được đánh giá là một tín hiệu tích cực cho thấy mối quan hệ giữa hai nước láng giềng bên bờ Biển Đen này đang dần được cải thiện sau 7 tháng căng thẳng kể từ khi Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ máy bay chiến đấu của Nga tại khu vực biên giới Thổ Nhĩ Kỳ - Syria và dẫn tới các lệnh trừng phạt trả đũa của Nga. Sau vụ Đại sứ Nga tại Thổ Nhĩ Kỳ Andrei Karlov bị ám sát tại thủ đô Moscow vào ngày 19/12/2016 lại càng thôi thúc lãnh đạo hai nước quyết tâm hơn trong việc gìn giữ mối quan hệ hai nước. Dư luận đang hy vọng rằng, mối quan hệ được cải thiện giữa Moscow và Ankara sẽ trở thành tiền đề để hai bên “xích lại gần nhau hơn về lập trường”, không chỉ trong lĩnh vực hợp tác song phương mà còn trong nhiều vấn đề quốc tế lớn, trong đó có cuộc chiến chống khủng bố và cuộc nội chiến Syria.

 

5. Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu chính thức có hiệu lực

 


Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon hoan nghênh động lực toàn cầu để đưa Hiệp định Paris có hiệu lực trong năm 2016. (Ảnh: Daily Pakistan)

 

Ngày 4/11, Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu chính thức có hiệu lực sau một năm được thông qua. Sự kiện này đánh dấu lần đầu tiên một văn bản quốc tế nhận được sự tham gia mạnh mẽ và nhanh chóng, minh chứng cho sự ủng hộ đặc biệt của cộng đồng quốc tế đối với các vấn đề khí hậu.

 

Trong tuyên bố chính thức, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon đánh giá động lực toàn cầu để đưa Hiệp định Paris có hiệu lực trong năm 2016 là "phi thường." Sự ủng hộ mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế là minh chứng cho tính cấp thiết của vấn đề cũng như phản ánh sự đồng thuận của các chính phủ rằng hợp tác toàn cầu là cần thiết để giải quyết thách thức biến đổi khí hậu.

 

6. Colombia đạt thỏa thuận hòa bình lịch sử

 

Đại diện FARC (trái) bắt tay đại diện đoàn đàm phán của Chính phủ Colombia,

cựu Phó Tổng thống Humberto de la Calle. Ảnh: BBC

 

Sau 4 năm đàm phán kéo dài, hôm 25/9, Tổng thống Colombia Juan Manuel Santos và lãnh đạo Nhóm lực lượng vũ trang cách mạng Colombia (FARC) Rodrigo Londono Echeverri đã ký thỏa thuận hòa bình lịch sử chấm dứt 52 năm nội chiến, mở ra cơ hội cho hòa bình, hòa giải dân tộc tại quốc gia Mỹ Latinh này.

 

Theo kết quả của cuộc trưng cầu dân ý diễn ra sau đó, bản thỏa thuận trên đã bất ngờ bị hơn 50% cử tri Colombia phản đối. Một thỏa thuận hòa bình mới đã được các bên soạn thảo ngay sau đó với phương án tốt hơn trước đề xuất của phong trào phản đối, liên quan tới việc xét xử những người có trách nhiệm trong cuộc xung đột vũ trang cũng như việc trao ghế Quốc hội cho FARC. Ngày 30/11/2016, Quốc hội Colombia đã chính thức phê chuẩn thỏa thuận hòa bình sửa đổi giữa Chính phủ Colombia và FARC.

 

Với việc thỏa thuận hòa bình sửa đổi được thông qua, người dân Colombia cũng như cộng đồng quốc tế đều kỳ vọng, một chương mới trong lịch sử Colombia sẽ được bắt đầu với nền hòa bình và ổn định lâu dài, khép lại hơn 5 thập kỷ nội chiến đẫm máu khiến khoảng 260.000 người thiệt mạng, 60.000 người mất tích và hàng triệu người phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn..

 

7. Cử tri Anh lựa chọn con đường rời khỏi Liên minh châu Âu (EU)

 

Nhóm cử tri Anh muốn nước này rời khỏi EU. (Ảnh: SWNS)

 

Theo kết cuộc trưng cầu dân ý ngày 23/6, chiến dịch ủng hộ Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (hay còn được gọi là Brexit) đã giành được 52% - tức là chiếm đa số phiếu ủng hộ trong cuộc trưng cầu dân ý về quy chế tương lai của Anh trong EU. Kết quả trên cũng đồng nghĩa với việc nước Anh sẽ tách khỏi khối 28 nước EU sau 43 năm giữ quy chế thành viên của liên minh này. Diễn biến này cũng đánh dấu lần đầu tiên trong nhiều năm trở lại đây, EU phải đối mặt với một “thách thức chưa từng có tiền lệ” trong mục tiêu hình thành nên một liên minh ngày càng được gắn kết chặt chẽ hơn về chính trị.

 

Sự kiện được biết đến với tên gọi Brexit đã khuấy động thị trường tài chính toàn cầu, gây ra tâm lý hoang mang cho giới doanh nghiệp trên thế giới. Chính quyền của Thủ tướng Anh Theresa May đang nỗ lực để vực dậy nền kinh tế Anh sau Brexit, đồng thời thực hiện lộ trình để có thể kích hoạt điều 50 của Hiệp ước Lisbon giúp Anh rời EU một cách an toàn.

 

8. Một năm đầy biến động trên bán đảo Triều Tiên

 

Người dân Hàn Quốc theo dõi thông tin về vụ thử nghiệm bom nhiệt hạch

của Triều Tiên tại thủ đô Seoul ngày 6/1/2016. (Ảnh: AFP)

 

Trong năm 2016, tình hình trên bán đảo Triều Tiên đã trở nên căng thẳng đặc biệt sau 2 vụ thử hạt nhân gây chấn động dư luận thế giới và các vụ thử tên lửa với một “tần suất chưa từng có tiền lệ” do chính quyền Bình Nhưỡng thực hiện. Diễn biến này đã khiến Triều Tiên phải đối mặt với 2 bản nghị quyết siết chặt trừng phạt từ Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và các biện pháp tăng cường đối phó từ Mỹ cùng hai nước đồng minh là Hàn Quốc và Nhật Bản.

 

Trong bối cảnh những căng thẳng liên quan tới chương trình hạt nhân của Triều Tiên chưa có dấu hiệu hạ nhiệt thì vào những ngày cuối cùng của năm 2016, bầu không khí chính trị tại Hàn Quốc lại bị khuấy đảo sau khi Tổng thống Park Geun-hye bị luận tội do nghi ngờ có liên quan tới vụ bê bối tham nhũng và lạm dụng quyền lực.

 

9. Mối lo khủng bố tiếp tục ám ảnh châu Âu

 

Hiện trường vụ tấn công chợ Giáng sinh tại Berlin. (Ảnh: Reuters)

 

An ninh – một bức tường thành vững chắc của châu Âu đã bị lung lay sau vụ tấn công đẫm máu nhằm vào Paris tháng 11/2015 khi sau đó ít lâu, khu vực này lại chứng kiến hàng loạt các vụ tấn công gây thương vong lớn gây lo ngại trong dư luận. Tháng 3/2016, thủ đô Brussels (Bỉ) – nơi được coi là “trái tim của châu Âu” đã rung chuyển khi xảy ra ba vụ nổ liên tiếp khiến hàng trăm người thương vong, tiếp theo sau đó là cuộc tấn công bằng xe tải ở Nice (Pháp) đêm 14/7/2016; các cuộc tấn công khủng bố ở Munich (Đức) 22/7/2016, ở Rouen (Pháp) 26/7/2016...

 

Đáng lo ngại hơn là những mối đe dọa về an ninh vẫn hiện hữu và được thực hiện một cách manh động hơn, táo tợn hơn, nhằm vào những sự kiện tập trung đông người, bất chấp những nỗ lực không ngừng nghỉ của các nhà chức trách châu Âu. Tối 19/12 đã xảy ra một vụ tấn công bằng xe tải nhằm vào khu chợ giáng sinh ở Berlin (Đức) khiến ít nhất 12 người thiệt mạng và 48 người khác bị thương. Vụ tấn công "được cảnh báo trước này" đã khiến nhiều quốc gia châu Âu thắt chặt các biện pháp an ninh trước thềm năm mới. Tuy nhiên, giới chuyên gia cũng khuyến cáo rằng, năm 2017, châu Âu sẽ bước vào một giai đoạn mới, khó khăn hơn trong cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố.

 

10. Lực lượng chính phủ Syria giành lại quyền kiểm soát thành phố Aleppo


Người dân Syria vui mừng sau khi quân đội chính phủ giành quyền kiểm soát hoàn toàn tại thành phố Aleppo. (Ảnh: AFP)

 

Đêm 22/12, các lực lượng chính phủ Syria tuyên bố đã giành lại toàn bộ quyền kiểm soát thành phố Aleppo sau 4 năm bị chia cắt và chiếm đóng như là một thành trì kiên cố nhất của phe đối lập.

 

Giới quan sát đánh giá việc giành lại quyền kiểm soát thành phố Aleppo là một “chiến thắng mang tính bước ngoặt” của chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad trong cuộc nội chiến kéo dài 6 năm ở Syria. Tuy nhiên, điều đó cũng không có nghĩa rằng cuộc chiến tại quốc gia Trung Đông này đã đi tới hồi kết. Lực lượng chính phủ vừa tuyên bố sẵn sàng tăng tốc các chiến dịch phòng thủ tại các khu vực còn lại đang thuộc quyền kiểm soát của phe đối lập. Về phía lực lượng đối lập cũng khẳng định sẽ tiếp tục chiến đấu tới cùng và duy trì quyền kiểm soát tại các căn cứ thuộc phía Tây Bắc cùng một số khu vực khác tại Syria./.