2015, năm của những cuộc bầu cử quan trọng

09:55, 27/12/2016

Năm 2015, thế giới sôi động với nhiều sự kiện, từ châu Á sang châu Âu, tới châu Mỹ. Trong hàng loạt những sự kiện ấy, các cuộc bầu cử mang tính quyết định đã diễn ra ở nhiều nước, thu hút sự quan tâm của dư luận quốc tế.

Cuộc tổng tuyển cử ngày 8-11 tại Myanmar mang ý nghĩa lịch sử, dấu mốc quan trọng trong tiến trình cải cách của Myanmar và quyết định tương lai của quốc gia Đông Nam Á này. Cuộc bầu cử tại Myanmar ngày 8-11 được tổ chức sau 4 năm khi chính phủ quân sự cầm quyền trong một thời gian dài chuyển giao quyền hành cho một chính phủ dân sự dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Thein Sein, người đã đưa ra một số cải cách nhằm chấm dứt tình trạng bị cô lập kinh tế và ngoại giao của Myanmar.

 

Hơn 90 đảng tham gia tranh cử trong tổng tuyển cử lần đầu từ khi có chính phủ dân sự nắm quyền năm 2011. Đáng chú ý, cuộc tổng tuyển cử được đánh giá là tự do nhất sau 25 năm tại Myanmar kết thúc với chiến thắng ngoạn mục thuộc về đảng đối lập Liên đoàn quốc gia vì Dân chủ (NLD), do bà Aung San Suu Kyi, 70 tuổi, đứng đầu, với 886 ghế (77,4%) ở cả ba cấp của Quốc hội (225 ghế tại Hạ viện, 135 ghế Thượng viện, 496 ghế tại nghị viện bang và cấp vùng). Trong khi Đảng Liên minh Đoàn kết và Phát triển (USDP) cầm quyền chỉ được 118 ghế (10%). Số ghế còn lại do một số đảng nhỏ và năm ứng viên độc lập nắm giữ. Trong tổng số 1.150 ghế Quốc hội, có 323 ghế Hạ viện, 168 ghế Thượng viện, 659 ghế nghị viện bang và cấp vùng.

 

Với kết quả này, theo Hiến pháp Myanmar, NLD được quyền thành lập một chính phủ độc lập, nắm quyền ở cả Hạ viện và Thượng viện, đồng thời có quyền chỉ định hai ứng viên phó Tổng thống. Cho dù NLD giành chiến thắng trong cuộc bầu cử này, nhưng theo Hiến pháp Myanmar, bà Suu Kyi không thể được bầu làm Tổng thống nước này, do kết hôn với người nước ngoài. Đây cũng là vấn đề khó khăn cho NLD.

 

Trong cuộc tổng tuyển cử tại Singapore ngày 11-9, đảng Hành động Nhân dân (PAP) cầm quyền của Thủ tướng Lý Hiển Long đã giành thắng lợi vang dội, với kết quả áp đảo so với phe đối lập, với việc giành được 83 ghế trong Quốc hội 89 ghế. Sáu ghế còn lại thuộc về đảng đối lập lớn nhất hiện nay là Đảng Công nhân (WP).

 

Với kết quả này, PAP có quyền quyết định thành lập chính phủ mới. Kể từ năm 1965 đến nay, PAP luôn giành thắng lợi trong các cuộc tổng tuyển cử tại Singapore và đây là lần thứ 12. Việc giành chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử lần này tiếp tục khẳng định đường lối đúng đắn mà đảng Hành động Nhân dân đã tiến hành trong thời gian qua cũng như việc người dân Singapore tiếp tục đồng hành cùng với đảng này trong chặng đường phát triển đất nước.

 

Tại Thổ Nhĩ Kỳ, đảng Công lý và Phát triển (AKP) cầm quyền cũng giành thắng lợi lớn trong bầu cử Quốc hội ngày 1-11, với việc giành được đa số ghế trong Quốc hội mới và đủ khả năng thành lập được một chính phủ hoàn toàn do AKP kiểm soát. AKP đã giành được 49,4% số phiếu (315 ghế trong tổng số 550 ghế tại Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ). Trong khi đảng Nhân dân Cộng hòa đối lập chính chỉ giành được 23%, đảng đối lập Phong trào Dân tộc được 11% và đảng Dân chủ Nhân dân được 10%. Chiến thắng tại cuộc bầu cử Quốc hội lần này của AKP được đánh giá là một kết quả bất ngờ.

 

Trước đó, các cử tri Thổ Nhĩ Kỳ đã phải đi bầu cử Quốc hội lần thứ hai chỉ trong năm tháng tại nước này. Trong cuộc bầu cử tháng sáu vừa qua, đảng AKP cầm quyền của Thủ tướng Davutoglu đã mất vị thế đa số ghế tại Quốc hội lần đầu tiên kể từ khi lên nắm quyền tại Thổ Nhĩ Kỳ năm 2002. Sau đó, AKP cũng không đàm phán thành công với các đảng phái khác để thành lập chính phủ liên minh, khiến cho Thổ Nhĩ Kỳ phải tổ chức bầu cử lại theo quy định của Hiến pháp.

 

Các đồng minh phương Tây của Thổ Nhĩ Kỳ cũng như các nhà đầu tư nước ngoài hy vọng thành công của cuộc bầu cử sẽ mang lại sự ổn định và tăng trưởng cho nền kinh tế, giúp nước này đóng vai trò trung tâm hơn trong việc ngăn chặn cuộc khủng hoảng di cư tới châu Âu cũng như cuộc chiến chống lại Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.

 

Trong cuộc bầu cử Quốc hội Tây Ban Nha ngày 20-12, đảng Nhân dân (PP) bảo thủ cầm quyền của Thủ tướng Mariano Rajoy cũng giành chiến thắng, với việc giành được 122 ghế (trên tổng số 350 ghế trong Quốc hội). Trong khi đảng Xã hội được 91 ghế, đảng cánh tả chống các biện pháp thắt lưng buộc bụng Podemos (Chúng ta có thể) được 69 ghế và đảng Ciudadanos (Công dân) được 40 ghế.

 

Với kết quả này, PP không giành được đa số ghế tuyệt đối trong Quốc hội và giảm mạnh so với 186 ghế giành được trong cuộc tổng tuyển cử tháng 11-2011. Giới phân tích đánh giá, đây là cuộc bầu cử khó khăn nhất trong nhiều thập kỷ qua ở Xứ sở bò tót và chứng kiến sự đối đầu giữa thế hệ đi trước có xu hướng ủng hộ các đảng có truyền thống và thế hệ trẻ chủ yếu ủng hộ đảng Podemos và đảng Ciudadanos. Uy tín của PP giảm do ảnh hưởng của các vụ bê bối tham nhũng, các biện pháp thắt lưng buộc bụng và tỷ lệ thất nghiệp dù đang được cải thiện nhưng vẫn ở mức 21,1%, cao thứ hai trong Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) sau Hy Lạp.

 

Trong bối cảnh hiện nay, theo các nhà phân tích, PP gặp khó khăn trong việc thành lập chính phủ mới vì không giành được đa số ghế trong Quốc hội ngay cả khi liên kết với đảng Ciudadanos.k

 

Một cuộc bầu cử khác cũng tại Tây Ban Nha được nhiều người quan tâm là cuộc bầu cử tại vùng Catalonia (Đông Bắc Tây Ban Nha), ngày 27-9, để quyết định tương lai của xứ Catalan có ở lại trong Tây Ban Nha hay không. Đây là cuộc bầu cử địa phương quan trọng nhất trong lịch sử vùng đất này.

 

Kết quả cho thấy, Liên minh ủng hộ độc lập Junts pel Si, trong đó chủ chốt là đảng Hội tụ và Dân chủ xứ Catalonia (CDC), giành được 62 ghế và nhóm cánh tả CUP giành được 10 ghế, chiếm đa số tuyệt đối trong cơ quan lập pháp vùng Catalonia gồm 135 ghế. Thực tế khiến cho chính phủ Tây Ban Nha phải đưa ra quyết định không công nhận kết quả bầu cử này, đồng thời khẳng định sẽ tiếp tục chống lại xu hướng ly khai ở vùng Catalonia, bảo đảm sự thống nhất toàn đất nước Tây Ban Nha.

 

Với 7,5 triệu người, chiếm 1/5 dân số Tây Ban Nha, Catalonia là một trong những vùng phát triển nhất ở Xứ sở bò tót, tạo ra 20% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP), 25% kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Vùng đất này, có ngôn ngữ và di sản văn hóa riêng, từ lâu đã có ý định tách ra độc lập khỏi Tây Ban Nha.

 

Tại Xứ sở sương mù, đảng Bảo thủ của Thủ tướng Anh, David Cameron, đã thành công lớn trong cuộc bầu cử Hạ viện ngày 7-5, với việc giành được 329 ghế tại Hạ viện gồm 650 ghế, cao hơn mức quá bán (326 ghế) để có thể đứng ra thành lập chính phủ mới mà không cần liên minh với đảng nào khác như trong cuộc bầu cử năm 2010. Trong khi đó, Công đảng, do ông Ed Miliband đứng đầu, chỉ được 232 ghế. Kết quả này khiến không ít người ngạc nhiên, bởi các cuộc thăm dò trước đó đều dự báo về kết quả xít sao giữa hai chính đảng lớn nhất nước Anh và khó có thể đảng nào giành được đa số phiếu để có thể tự đứng ra thành lập chính phủ mới. Đáng chú ý, đảng Dân tộc Scotland (SNP), do bà Nicola Sturgeon đứng đầu, giành thắng lợi lớn, với 56 ghế trong tổng số 59 ghế nghị sĩ của xứ Scotland.

 

Với thành công của đảng Bảo thủ, Thủ tướng Cameron có cơ hội nắm quyền thêm một nhiệm kỳ nữa để thực hiện các mục tiêu đã đề ra trong cương lĩnh tranh cử, trong đó có cắt giảm thâm hụt ngân sách, tạo thêm việc làm và đầu tư mạnh mẽ cho dịch vụ y tế công và hạ tầng giao thông...

 

Tại đất nước nam Âu - Hy Lạp - quốc gia đang gặp nhiều khó khăn nhất trong Liên hiệp châu Âu (EU), ngày 20-9, đã diễn ra cuộc bầu cử Quốc hội, với thắng lợi thuộc về đảng cánh tả Syriza của cựu Thủ tướng Alexis Tsipras (với 35,54% phiếu bầu, so với 28,07% mà đảng đối lập Dân chủ Mới bảo thủ giành được). Kết quả bầu cử mới này sẽ cho phép ban lãnh đạo Athens tiếp tục theo đuổi lộ trình cải cách đã đề ra trong nhiệm kỳ trước của cựu Thủ tướng Tsipras, với cam kết thực hiện chương trình cải cách đầy tham vọng nhằm khôi phục kinh tế đất nước.

 

Đặc biệt, thắng lợi này sẽ mang lại sự ổn định chính trị cần thiết để giúp Athens đối mặt với mọi thách thức hiện nay, nhất là các vấn đề về khủng hoảng người di cư, tạo việc làm và sự tăng trưởng kinh tế bền vững, đồng thời tạo lòng tin đối với các nhà lãnh đạo EU cũng như bộ ba chủ nợ của Hy Lạp gồm EU, Ngân hàng T.Ư châu Âu (ECB) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) trong việc xem xét giải ngân khoản cứu trợ mới đã thỏa thuận trị giá 86 tỷ euro.

 

Bên kia bán cầu, tại Venezuela, sau cuộc bầu cử Quốc hội ngày 6-12, liên minh đối lập Bàn đoàn kết dân chủ (MUD) đối lập đã giành được 2/3 số ghế (99/167 ghế) tại cơ quan lập pháp nước này (trong khi đảng Xã hội chủ nghĩa thống nhất (PSUV) cầm quyền chỉ được 46 ghế). Điều này cho phép phe đối lập có thể thực hiện những thay đổi sâu rộng, trong đó bao gồm cả khả năng kêu gọi trưng cầu dân ý về sự lãnh đạo của Tổng thống Nicolas Maduro. Theo các nhà phân tích, đây là kết quả tồi tệ nhất đối với phong trào xã hội chủ nghĩa, do nhà lãnh đạo quá cố Hugo Chavez thành lập từ năm 1999.

 

Như vậy, PSUV đã không hoàn thành mục tiêu đề ra là giữ được đa số ghế tại kỳ bầu cử lần này - điều rất quan trọng để Chính phủ của Tổng thống Nicolas Maduro tiếp tục triển khai những chương trình xã hội tiến bộ hướng tới số đông người dân về y tế, giáo dục, xóa đói giảm nghèo và xây nhà ở cho người nghèo. Tuy nhiên, Tổng thống Maduro cho biết, sẽ đối thoại với Quốc hội mới để thảo luận nhằm hợp tác giải quyết những vấn đề của nền kinh tế quốc gia. Ông khẳng định, ưu tiên của chính phủ gồm phát triển sản xuất trong nước, thiết lập vùng kinh tế đặc biệt, đầu tư cho giáo dục công lập miễn phí, chương trình xây dựng nhà ở cho người dân.

 

Về phần mình, ông Jesus Torrealba, Tổng Thư ký liên minh đối lập cho biết, một trong những ưu tiên hàng đầu của liên minh này là sẽ giải quyết cuộc khủng hoảng kinh tế tại Venezuela. Venezuela bị tác động mạnh bởi giá dầu liên tục giảm, trong khi dầu thô là nguồn xuất khẩu chính của nước này. Venezuela cũng là nước có tỷ lệ lạm phát cao ở Nam Mỹ.

 

Trên thực tế, những biến động tại một số khu vực đã tác động không nhỏ tới chính trường cũng như các cuộc bầu cử ở một số quốc gia. Diễn biến và kết quả bầu cử trong năm qua tại các nước cho thấy rõ điều đó.