Các vấn đề hóc búa như Brexit, lệnh trừng phạt Nga, hay chiến sự tại Syria đang phủ bóng lên hội nghị thượng đỉnh cuối cùng năm 2016 của EU.
Ngày 15-12, các nguyên thủ quốc gia thành viên EU tụ họp tại Brussels trong cuộc họp thượng đỉnh cuối cùng của năm 2016 với chương trình nghị sự dày đặc và nặng nề.
Dù chưa diễn ra Brexit, các chuyên gia phân tích đã nhận định đây là một hội nghị thượng đỉnh mà EU phải bàn chuyện chỉ còn nhóm 27 thành viên. Thủ tướng Anh Theresa May cũng sẽ vắng mặt trong buổi tiệc tối để các nguyên thủ EU có thể thảo luận thoải mái hơn về cách thức và các điều khoản thương lượng với Anh, một khi Luân Đôn khởi động tiến trình tách khỏi EU.
Nghị viện châu Âu đòi hỏi vai trò “đồng quyết định” trong Brexit
Trong một diễn biến mới nhất có liên quan, ngày 14-12, ngay trước thềm cuộc họp thượng đỉnh, Chủ tịch Nghị viện châu Âu Martin Schulz đã tuyên bố cần có vai trò và tiếng nói của các nghị sĩ EU trong các cuộc thương lượng sắp tới về Brexit.
Được biết, hiện giờ vai trò của Nghị viện châu Âu được xác định là “phê chuẩn” kết quả cuộc thương lượng sắp tới về Brexit, thay vì có quyền cùng ra quyết định trong thương lượng với Ủy ban châu Âu.
Diễn ra trong bối cảnh các nước châu Âu đang hoang mang về chính sách tương lai của tân Tổng thống Mỹ và lo lắng về triển vọng quan hệ xuyên Đại Tây Dương ; rồi một loạt thay đổi chính phủ bất ngờ tại Italy sau cuộc trưng cầu ý dân, hay tại Pháp do cục diện cuộc bầu cử Tổng thống…
Hội nghị thượng đỉnh cuối cùng của năm của EU phải đối mặt với một loạt vấn đề từ nội bộ đến đối ngoại. Mấu chốt của vấn đề như Tổng thống Pháp liên tục nhắc đến trong những sóng gió gần đây, rằng cần phải đoàn kết nội khối EU.
Nhiều hồ sơ “nóng” và “dở dang”
Ưu tiên lớn nhất, theo hai nhà lãnh đạo hai quốc gia trụ cột là Pháp và Đức, là các nhà lãnh đạo 28 thành viên EU phải ra quyết định trong hai ngày hội nghị 15-16/12 là có kéo dài hay không trừng phạt kinh tế với Nga - được thiết lập từ năm 2014 sau tại nạn của chiếc máy bay MH17 trên bầu trời đông Ukraine làm 298 người thiệt mạng.
Tiếp đó là cuộc khủng hoảng tị nạn mà cốt lõi là thỏa thuận ký với Thổ Nhĩ Kỳ, rồi tình hình chiến sự tại Syria, Liên minh châu Âu tuyên bố sẽ xem xét mọi sự lựa chọn để sớm chấm dứt cuộc khủng hoảng nhân đạo tại Aleppo.
Các nhà lãnh đạo EU cũng sẽ phải thảo luận về Hiệp định liên kết EU-Ukraine trong bối cảnh duy nhất có Hà Lan không phê chuẩn hiệp định, do các cử tri nước này đã bác bỏ hiệp định trong một cuộc trưng cầu ý dân.
Học cách sống mới thời hậu Brexit
2016 là một năm kinh hoàng với Liên minh châu Âu. Năm 2016 chứng kiến Brexit, biến động địa chính trị nghiêm trọng nhất với EU kể từ khi thành lập khối và các cuộc họp thượng đỉnh EU từ nhiều tháng qua thường xuyên vắng mặt các lãnh đạo Anh quốc, như là cách để 27 nước thành viên EU học cách sống mới thời hậu Brexit.
Nhưng, Brexit chỉ là một trong số rất nhiều thách thức nghiêm trọng mà EU phải đối mặt trong thời gian tới. Các lãnh đạo EU tiếp tục phải bàn thảo về khủng hoảng tị nạn mà cốt lõi là thảo thuận ký với Thổ Nhĩ Kỳ, bàn về việc có tiếp tục gia hạn, vào tháng 1-2017 tới, các lệnh trừng phạt Nga do khủng hoảng Ukraina, bàn về mối quan hệ giữa EU với NATO và đặc biệt, phải bàn cả về cách ứng xử với tân chính quyền mới ở Washington sau khi ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ.
Tất cả đó đều là các thách thức được đánh giá là ở mức độ chiến lược, thậm chí có thể đe doạ đến sự tồn tại của Liên minh trong tương lai. Mức độ phức tạp của năm 2017 thậm chí còn được dự báo sẽ còn gia tăng trong bối cảnh các cuộc bầu cử ở 2 cường quốc đầu tàu của Liên minh là Đức và Pháp đang đến rất gần.
Có thể nói, Liên minh châu Âu đang ở vào một giai đoạn mang tính thử thách sống còn mà chỉ có sự đoàn kết cao độ của 27 quốc gia thành viên mới có thể giúp Liên minh vượt qua sóng gió./.