Năm 2017, thế giới cần 22,2 tỷ USD cho hoạt động nhân đạo

10:53, 07/12/2016

Thế giới đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng nhân đạo và cần đến số tiền 22,2 tỷ USD trong năm 2017 để hỗ trợ gần 93 triệu người dễ bị tổn thương và thiệt thòi nhất, Văn phòng Điều phối Nhân đạo Liên hợp quốc (OCHA) ngày 5-12 cho biết.

Trong báo cáo công bố tại Geneva (Thụy Sỹ), Điều phối viên hoạt động cứu trợ khẩn cấp Liên hợp quốc Stephen O'Brien cho biết: “Quy mô các cuộc khủng hoảng nhân đạo ngày nay lớn hơn bất cứ thời điểm nào kể từ khi Liên hợp quốc được thành lập”. Theo đó, số tiền kêu gọi cho các hoạt động nhân đạo năm 2017 cao gấp ba lần con số 7,9 tỷ USD của năm 2011.

 

Theo ông Stephen O’Brien, trên toàn cầu có hơn 128 triệu người bị ảnh hưởng bởi xung đột, di dời, các thảm họa tự nhiên và dễ bị tổn thương nhất. Kế hoạch ứng phó nhân đạo tại 33 quốc gia nhằm mục tiêu tiếp cận 93 triệu người có nhu cầu. Trong đó, các cuộc xung đột tại Syria, Yemen, Nam Sudan và Nigeria là những nơi cần nhiều nhất các nhu cầu nhân đạo. Bên cạnh đó, ảnh hưởng của hiện tượng thời tiết El Nino đối với hạn hán, lũ lụt và thời tiết cực đoan đang đẩy những cộng đồng dễ bị tổn thương đến bờ vực của sự sống.

 

Trong năm 2015, các nhà tài trợ quốc tế đã quyên góp được 11,4 tỷ USD và số tiền cam kết trong năm 2016 là 20,1 tỷ USD. Tuy nhiên, tính đến cuối năm nay, số tiền tài trợ mới chỉ nhận được 52% và khoảng cách tài trợ còn thiếu ở mức kỷ lục 10,7 tỷ USD.

 

“Cuộc sống của hàng triệu phụ nữ, bé gái, bé trai và nam giới ở trong tay của chúng ta. Với việc mở rộng quy mô ứng phó và cung cấp đầy đủ lời kêu gọi này, chúng ta sẽ chứng minh cho họ thấy rằng chúng ta sẽ không để họ phải thiệt thòi”, ông O’Brien nói.

 

Lời kêu gọi nhân đạo năm 2017 được dựa trên Kế hoạch ứng phó nhân đạo tại Afghanistan, Burundi, Cameroon, Cộng hòa Trung Phi, Chad, Cộng hòa Dân chủ Congo, Djibouti, Ethiopia, Haiti, Iraq, Libya, Mali, Myanmar, Niger, Nigeria, Palestine, Somalia, Nam Sudan, Sudan, Syria, Ukraine, Yemen… Trong đó, Burundi, Nigeria, Nam Sudan và Syria là các cuộc khủng hoảng làm ảnh hưởng đến toàn bộ khu vực và các quốc gia láng giềng./.