NATO ngày 6/1 bắt đầu tăng cường hiện diện quân sự tại khu vực sườn phía Đông, đồng thời triển khai lực lượng tại Ba Lan và các nước vùng Baltic.
Giới phân tích lo ngại, bước đi này sẽ làm gia tăng căng thẳng với Nga trong bối cảnh những nỗ lực mới nhất nhằm cải thiện quan hệ giữa hai bên không đạt được tiến triển.
Trong một bước đi được xem là nhằm hiện thực hóa cam kết đối với các nước Đông Âu hồi tháng 7/2016, hôm qua hai tàu vận tải chở theo xe bọc thép, xe tải và trang thiết bị quân sự hạng nặng của Mỹ đã tới cảng Bremen của Đức và bắt đầu quá trình bốc dỡ hàng hóa để chuyển tới Ba Lan bằng đường sắt và đường bộ.
Tàu vận tải thứ 3 dự kiến sẽ tới khu vực trong vài ngày tới. Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cũng có kế hoạch triển khai 4.000 binh sĩ, cùng nhiều máy bay, xe bọc thép và pháo binh tới Ba Lan, sau đó là Estonia, Latvia và cuối cùng là Litva.
Các cuộc tập trận quân sự quy mô lớn giữa Mỹ và Ba Lan dự kiến vào cuối tháng này, trong khi nhiều cuộc tập trận khác cũng được lên kế hoạch tại các nước vùng Baltic khác.
Ngoài các binh sĩ Mỹ triển khai tại Ba Lan, 3 nước Đức, Canada và Anh dự kiến triển khai mỗi nước khoảng 1 nghìn binh sĩ tới khu vực. Phó Tư lệnh lực lượng Mỹ tại châu Âu, tướng Mỹ Timothy McGuire nhấn mạnh, cách tốt nhất để duy trì hòa bình là thông qua sự chuẩn bị.
“Việc triển khai này như một sự khẳng định cam kết của Mỹ với các đồng minh, duy trì hòa bình và thịnh vượng tại khu vực. Rõ ràng, cách tốt nhất để duy trì hòa bình là thông qua sự chuẩn bị và những hoạt động này chỉ là nhằm thể hiện sức mạnh, sự gắn kết của liên minh, cũng như cam kết của Mỹ duy trì hòa bình tại châu lục”, ông McGuire nói.
Cùng ngày, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) khẳng định, việc tăng cường quân sự dọc biên giới Nga như một biện pháp phòng vệ và cho rằng điều này hoàn toàn chính đáng sau sự kiện Nga sáp nhập Crimea vào năm 2014 cũng như can thiệp vào cuộc khủng hoảng ở Ukraine.
Tuy nhiên, bước đi này của NATO lại được giới quan sát nhìn nhận là có thể làm gia tăng căng thẳng với Nga khi mà nước này từng tuyên bố, sẽ không có chuyện Nga "bỏ qua không có lời đáp trả" đối với kế hoạch tăng cường hoạt động quân sự tại sườn phía đông của liên minh NATO. Theo Nga, kế hoạch tăng cường quân sự của NATO là hành động khiêu khích và gây mất cân bằng an ninh ở châu Âu.
Quan hệ Nga- NATO đã bị đẩy xuống mức thấp nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh do những bất đồng về lập trường liên quan tới cuộc khủng hoảng Ukraine.
Việc NATO hủy bỏ các cuộc họp tham vấn của Hội đồng NATO- Nga đã “đóng băng” hợp tác giữa 2 bên từ tháng 6/2014. Dù Hội đồng NATO- Nga đã được nối lại hồi tháng 7/2016 nhưng tới nay hai bên vẫn không thể tìm được tiếng nói chung trong các vấn đề như cuộc khủng hoảng tại Ukraine, minh bạch các hoạt động quân sự, hay tình hình an ninh tại Afghanistan.
Nỗ lực mới nhất nhằm cải thiết quan hệ tại cuộc họp Hội đồng Nga- NATO hồi cuối năm 2016 cũng đã kết thúc mà không đạt được bất kỳ tiến triển nào./.