Bầu cử Tổng thống Pháp biến động khó lường

08:12, 07/02/2017

Chính trường nước Pháp đang có những diễn biến vô cùng khó lường trong chọn người kế vị ông Francois Hollande đứng đầu nhà nước Pháp.

Fillon rơi tự do

 

Sự kiện được quan tâm nhất vào thời điểm này là vụ bê bối liên quan đến ứng cử viên cánh hữu Francois Fillon, người mà chỉ vài tuần trước còn được xem là gương mặt sáng giá nhất trong cuộc chạy đua vào điện Elysees. Điều tra của tờ báo Le Canard enchainé tung ra tuần trước cho thấy, cựu Thủ tướng Pháp trong nhiều năm liền đã chi trả lương cho vợ mình là bà Peneloppe Fillon dưới tư cách là trợ lý nghị viện của ông trong thời gian ông Fillon làm Thượng nghị sĩ.

 

Theo luật pháp của Pháp, việc này không bị cấm nhưng có những điều khoản ràng buộc tương đối rõ ràng về mức lương chi trả cũng như tính chất công việc. Điểm mấu chốt khiến ông Fillon bị công kích là hầu như không một ai biết bà Peneloppe Fillon có thực sự làm trợ lý cho ông hay không khi chính bà này từng nhiều lần nói trên báo chí rằng mình chỉ làm nội trợ, thậm chí là trong một lần trả lời phỏng vấn năm 2007, bà Peneloppe Fillon còn khẳng định “chưa bao giờ là trợ lý cho ông Fillon”.

 

Tất cả những chi tiết này làm dấy lên nghi ngờ rằng ông Fillon đã cố tình gian lận công quỹ và trong nhiều năm trời đã trả lương cho vợ mình một khoản tiền không nhỏ, lên tới hơn 500 ngàn euro. Chưa hết, ông Fillon cũng bị cáo buộc là cũng đã trả lương cho 2 con đầu của mình mức lương rất cao với tư cách là “luật sư” dù thời điểm đó, 2 người con của ông Fillon đều rất trẻ, mới ra trường và trên thực tế không thể nhận mức lương cao đến thế.

 

Những cáo buộc dữ dội và các chi tiết bị phanh phui này đã đẩy ứng  cử viên số 1 của cánh hữu Pháp vào một tuần đen tối. Về mặt tư pháp, vợ chồng ông Fillon cùng các thành viên trong gia đình đã phải đối chất với các điều tra viên của Cơ quan chống tham nhũng và gian lận tài chính.

 

Tuy nhiên, nghiêm trọng nhất là về mặt chính trị, scandal bị nghi gian lận tiền công quỹ này đã khiến ông Francois Fillon mất điểm trầm trọng trong thời điểm nóng bỏng của cuộc đua vào ghế Tổng thống Pháp.

 

Từ chỗ là ứng cử viên số 1 trong các cuộc thăm dò dư luận, uy tín của ông Fillon liên tục sụt giảm và các kết quả thăm dò mới nhất của các viện uy tín như IPSOS, IFOP... cho thấy ông Fillon hiện tụt xuống thứ 3 trong các ứng cử viên, với dự tính giành được khoảng 20% số phiếu bầu của cử tri Pháp.

 

Nếu điều này thực sự xảy ra, ông Fillon sẽ bị loại ngay từ vòng 1 và cánh hữu Pháp, từ chỗ được xem là “không thể thua” trong cuộc bầu cử Tổng thống 2017, sẽ lại phải hứng chịu một thất bại lịch sử.

 

Những lo ngại đó đang khiến nội bộ cánh hữu căng như dây đàn, khi các cánh chính trị chủ chốt trong đảng LR (Những người cộng hoà) công khai bàn tính các “phương án B”, tức là tìm người thay thế ông Francois Fillon ra tranh cử nếu cuộc điều tra đi theo hướng bất lợi và uy tín của ồn Fillon tuột dốc không phanh.

 

Tuy nhiên, vướng mắc lớn nhất của cánh hữu đó là gần như không thể tìm được một ứng cử viên thay thế có thể dung hoà được tất cả mâu thuẫn của các phe, chưa kể không một ứng cử viên nào có tính chính danh lớn như ông Fillon, người được hơn 4 triệu cử tri Pháp bầu chọn chiến thắng áp đảo trong cuộc bầu cử sơ bộ cách đây 2 tháng.

 

Nhân vật được nhắc đến nhiều nhất là cựu Thủ tướng Alain Juppé, người thua ông Fillon trong bầu cử sơ bộ, đã chính thức tuyên bố từ chối vai trò làm người thay thế trong trường hợp ông Fillon phải rút lui. Các gương mặt khác như Francois Baroin, cựu Bộ trưởng kinh tế, cánh tay phải của ông Nicolas Sarkozy, hay Laurent Wauquiez... đều chưa đủ thuyết phục.

 

Ý thức được tính ít khả thi của các “phương án B” nên đến thời điểm này, ông Francois Fillon vẫn kiên quyết không rút lui và tuyên bố sẽ tiếp tục chiến dịch tranh cử đến cùng.

 

Chiều 6/2, trước sức ép khủng khiếp từ công luận và nội bộ đảng, ông Fillon đã họp báo lên tiếng “xin lỗi người dân Pháp” và cho biết sẽ bắt tay vào một chiến dịch mới. Ông Fillon cũng dự định sẽ gặp tất cả các nhân vật chủ chốt của cánh hữu để đề nghị giúp đỡ ông trong “ít nhất là 15 ngày tới”, cho đến khi cuộc điều tra tư pháp kết thúc.

 

Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích chính trị Pháp nhận định rằng, kể cả khi tiếp tục được cánh hữu hậu thuẫn để duy trì cuộc đua thì thiệt hại đối với ông Francois Fillon giờ đã quá lớn và khả năng lấy lại ưu thế dẫn đầu là điều không dễ thực hiện khi đã bị huỷ hoại ghê gớm về mặt hình ảnh.

 

Le Pen hay Macron?

 

Bất hạnh của người này là niềm vui của người khác. Scandal đang làm chao đảo ông Francois Fillon khiến các đối thủ chính của ông này lần lượt lên điểm trong các cuộc thăm dò dư luận. Hai ứng cử viên sừng sỏ là bà Marine Le Pen của đảng Mặt trận quốc gia – FN và ứng cử viên tự do Emmanuel Macron ở thời điểm này đang được dự đoán sẽ chiến thắng vòng 1 và đối đầu nhau ở vòng 2.

 

Cuộc thăm dò hôm 6/2 của tờ báo kinh tế Les Echos và Viện OpinionWay cho thấy bà Marine Le Pen ước tính được khoảng 26% số phiếu bầu còn ông Macron được 23%. Tuy nhiên, nếu kịch bản này xảy ra thì ở vòng 2, ông Macron có thể sẽ đánh bại bà Marine Le Pen với số phiếu áp đảo.

 

Các động thái tranh cử mới nhất cho thấy, bà Marine Le Pen và ông Emmanuel Macron đang xác định người kia là đối thủ chính của mình và ngược lại. Hôm 4/2, cả hai ƯCV này đều tổ chức một cuộc mít-tinh quan trọng tại Lyon nhằm tạo bước ngoặt cho chiến dịch tranh cử nhân thời điểm ông Fillon “gặp nạn”.

 

Bà Marine Le Pen đã công bố bản chiến dịch tranh cử gồm 144 điểm về các quyết sách kinh tế, chính trị mà bà hứa áp dụng nếu lên làm Tổng thống. Tuy nhiên, chi tiết quan trọng này có vẻ không mang lại hiệu ứng truyền thông đủ lớn bởi lượng người góp mặt trong cuộc mít-tinh của bà Marine Le Pen kém xa đối thủ Macron dù cựu Bộ trưởng kinh tế này vẫn chưa chính thức tuyên bố các chính sách tranh cử của mình.

 

Trên thực tế, đây là một thách thức mang tính lịch sử mà một ứng cử viên của đảng cánh hữu Mặt trận quốc gia phải đối mặt. Cha của bà Marine Le Pen là ông Jean-Marie Le Pen từng vào đến vòng 2 cuộc bầu cử Tổng thống Pháp năm 2002 nhưng rồi bị đánh bại dễ dàng trước ông Jacques Chirac.

 

Do chịu tiếng xấu là một đảng cựu hữu bài ngoại và có các tư tưởng phát-xít, từ ông Jean -Marie Le Pen đến bà Marine Le Pen đều bị mặc định là chỉ có thể vượt qua vòng 1 của một cuộc bầu cử Tổng thống Pháp. Bà Marine Le Pen từ nhiều năm nay đang cố gắng phá bỏ “lời nguyền” này bằng cách mềm hoá đảng FN và đang tìm mọi cách tận dụng tối đa các hiệu ứng Brexit và Donald Trump để lôi kéo cử tri.

 

Tuy nhiên, do đặc điểm khác biệt của nền chính trị Pháp là bầu cử Tổng thống được tổ chức theo cơ chế phổ thông đầu phiếu 2 vòng nên việc một đảng cực hữu có thể vượt qua được rào cản do tất cả các đảng phái và lực lượng xã hội tạo nên ở vòng 2 là điều rất khó, dù sau chiến thắng của ông Donald Trump ở Mỹ, những kịch bản khó tin nhất đều không bị loại trừ.

 

Với nhiều nhà quan sát trung lập, ẩn số lớn nhất trong cuộc bầu cử Tổng thống Pháp 2017 này là Emmanuel Macron. Vị cựu Bộ trưởng kinh tế trẻ được mệnh danh là “Mozart trong giới tài chính” này đang thăng tiến rất nhanh và rất khó lường.

 

Cho đến hiện tại, ông Macron vẫn đang tự định vị mình như một ứng vử viên “không tả, không hữu” nhưng lại đang tìm cách lôi kéo mọi cử tri của cả 2 bên. Những diễn biến bất ngờ trên chính trường Pháp, như scandal của ông Fillon hay thất bại của cựu Thủ tướng Manuel Valls trong bầu cử sơ bộ cánh tả, đang mang lại thuận lợi cho Emmanuel Macron.

 

Một lượng không nhỏ cử tri cánh hữu thất vọng với ông Francois Fillon được dự đoán sẽ dồn sự ủng hộ cho Macron còn bên cánh tả, sau chiến thắng của Benoit Hamon, một nhân vật “nổi loạn” trong đảng Xã hội (PS), nhiều nghị sĩ theo đường lối cải cách của cánh tả đã công khai tuyên bố không ủng hộ Hamon.

 

Những người này nhiều khả năng sẽ chuyển hướng sang Macron. Đó là lí do từ chỗ chỉ là một ứng cử viên tự do không có mạng lưới mạnh và được xem là kẻ phiêu lưu trong đợt bầu cử Tổng thống này, Emmanuel Macron đang thăng tiến rất nhanh và trở thành ứng cử viên hàng đầu vào thời điểm này, thậm chí có thể coi là ứng cử viên số 1.

 

Tuy nhiên, thách thức với Emmanuel Macron là liệu có duy trì được đà năng động này trong gần 3 tháng nữa hay không bởi khi đã trở thành ứng cử viên số 1 thì Macron nghiễm nhiên sẽ trở thành mục tiêu công kích của mọi đối thủ.

 

Những chỉ trích nhằm vào Macron đang gia tăng, trong đó tập trung vào việc ứng cử viên này vẫn chưa xác quyết rõ ràng đường lối chính trị cũng như cụ thể hoá các chương trình tranh cử, đặc biệt là về kinh tế. Chỉ có điều, thời gian dường như đang ủng hộ Emmanuel Macron bởi ông Francois Fillon thì đang gồng mình chống đỡ với scandal cá nhân còn bên cánh tả thì 2 ứng cử viên Benoit Hamon và Jean Luc Melenchon (đảng Nước Pháp bất khuất) cũng đang tranh cãi gay gắt về việc có bắt tay với nhau để tránh nguy cơ thất bại rõ ràng cho cả hai (và cho cả cánh tả) hay sẽ tiếp tục theo đuổi chương trình tranh cử riêng biệt?./.