Cần 4,4 tỷ USD để tránh xảy ra thảm họa ở Nam Sudan, Somalia, Yemen và Nigeria

16:35, 23/02/2017

Tổng Thư ký Liên hợp quốc António Guterres ngày 22-2 đã kêu gọi cộng đồng quốc tế cần hành động mạnh mẽ và khẩn cấp để giúp đỡ hơn 20 triệu người dân ở Nam Sudan, Somalia, Yemen và Đông Bắc Nigeria khi họ phải đối mặt với tình trạng đói kém.

“Nạn đói đã xảy ra ở một số khu vực của Nam Sudan. Nếu chúng ta không hành động ngay từ bây giờ, thì chỉ là vấn đề thời gian cho đến khi nạn đói làm ảnh hưởng đến các khu vực khác và các nước khác. Chúng ta đang phải đối mặt với một thảm kịch; chúng ta phải tránh điều này trở thành một thảm họa”, Tổng Thư ký António Guterres nói.

 

Phát biểu trong cuộc họp tại trụ sở Liên hợp quốc ở New York cùng với Điều phối viên về cứu trợ khẩn cấp của Liên hợp quốc Stephen O'Brien, Tổng Giám đốc Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) Helen Clark và họp trực tuyến với Giám đốc Điều hành Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) Ertharin Cousin, Tổng Thư ký Guterres cho biết, Liên hợp quốc cần ít nhất 4,4 tỷ USD vào cuối tháng 3 để ngăn chặn một thảm họa có thể xảy ra.

 

Theo ông, mặc dù đã có một số cam kết hào phóng, nhưng cho đến nay Liên hợp quốc mới chỉ nhận được 90 triệu USD, điều này rất đáng lo ngại. “Cuộc sống của hàng triệu người phụ thuộc vào khả năng hành động chung của chúng ta”, ông Guterres nói.

 

Tại Nam Sudan, Liên hợp quốc và các đối tác nhân đạo đặt mục tiêu hỗ trợ 5,8 triệu người trong năm nay, tại Somalia là 5,5 triệu người và tại Yemen là 8,3 triệu người. Tại Đông Bắc Nigeria, các tổ chức nhân đạo đang tiếp cận với hơn 2 triệu người thông qua việc hỗ trợ lương thực.

 

Tổng Thư ký Liên hợp quốc cho rằng, 4 cuộc khủng hoảng là khác nhau, nhưng đều có thể phòng ngừa. Các cuộc khủng hoảng này đều bắt nguồn từ xung đột và điều cần thiết là phải ngăn chặn và giải quyết chúng.

 

Ngày 21-2, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) cũng cảnh báo, gần 1,4 triệu trẻ em có nguy cơ tử vong vì suy dinh dưỡng cấp tính trong năm 2017 do mối đe dọa từ nạn đói ở Nigeria, Somalia, Nam Sudan và Yemen. Trong đó, Yemen là quốc gia có số lượng trẻ suy dinh dưỡng nghiêm trọng cao nhất (462.000 trẻ), tiếp theo là Nigeria (450.000 trẻ), Nam Sudan (270.000 trẻ) và Somalia (185.000 trẻ)./.