Đàm phán hòa bình Syria khai mạc tại Thụy Sỹ

08:04, 23/02/2017

Cuộc đàm phán hòa bình về Syria do Liên Hợp Quốc bảo trợ sẽ diễn ra hôm nay (23/2) tại Geneva, Thụy Sỹ. Diễn ra trong bối cảnh cục diện thế giới và chiến sự tại thực địa Syria đã có nhiều thay đổi, cuộc đàm phán lần này được kỳ vọng sẽ mang lại một kết quả thực chất hơn nhằm mang lại hòa bình cho Syria sau gần 6 năm nội chiến kéo dài.

Để chuẩn bị cho thành công của đàm phán, phái đoàn của các bên tham chiến tại Syria gồm Chính phủ Syria và lực lượng đối lập đã có mặt tại Geneva từ ngày 22/2.

 

Dẫn đầu phái đoàn Chính phủ Syria là Đại sứ Syria tại Liên Hợp Quốc Bashar Ja'afari. Về phía phe đối lập, tham gia đàm phán lần này sẽ có 22 gương mặt đại diện cho các nhóm đối lập Syria bao gồm cả hai nhóm mới là nhóm Cairo và nhóm Moskva, vốn được sự ủng hộ của Nga.

 

Hai nhóm này trước đây từng bị các nhóm đối lập khác tại Syria xem là những nhóm có quan điểm bất đồng. Trong khi các nhóm đối lập Syria chủ trương dùng bạo động giành chính quyền thì nhóm Cairo và Moskva lại phản đối bạo lực, cho rằng việc thay đổi chính trị cần được thực hiện qua con đường hòa bình.

 

Diễn ra trong bối cảnh cục diện thế giới và chiến sự tại thực địa Syria đã có nhiều thay đổi, cuộc đàm phán lần này được kỳ vọng sẽ mang lại một kết quả thực chất hơn nhằm mang lại hòa bình cho Syria sau gần 6 năm nội chiến kéo dài.

 

Một điều có thể nhận thấy trong cuộc đàm phán hòa bình lần này chính là sự thay đổi trong lập trường của phe đối lập về tương lai của Tổng thống Syria Bashar al-Assad. Nếu như trong các cuộc đàm phán trước đây, phe đối lập luôn chủ trương gia tăng sức ép buộc Chính phủ Syria phải trả tự do cho các tù nhân, dỡ bỏ các cuộc vậy hãm của Chính phủ và trên hết là kêu gọi một quá trình chuyển tiếp chính trị tại Syria nhằm buộc Tổng thống Assad phải từ bỏ quyền lực thì nay họ lại có vẻ e dè khi nói đến vấn đề này.

 

Khi được hỏi liệu Tổng thống Assad có tham gia vào tiến trình chuyển tiếp tại Syria hay không, ông Ahmad Ramadan, một thành viên phái đoàn đối lập đã nói rằng, đây là một yếu tố có tính chất quyết định không chỉ với lực lượng đối lập mà với cả các bên liên quan.

 

Kể từ tháng 4/2016, khi đại diện các phe phái đối địch tại Syria gặp nhau lần cuối tại Geneva, phe đối lập nhận thấy vị thế của họ đã giảm đáng kể trong bối cảnh các lực lượng Chính phủ đã giành quyền kiểm soát nhiều vùng lãnh thổ, trong đó có thành trì của nhóm này tại Đông Aleppo.

 

Phe đối lập cũng nhận thấy hai quốc gia hậu thuẫn lớn nhất là Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ cũng đang có dấu hiệu thay đổi lập trường, làm dấy lên những quan ngại trong lực lượng nổi dậy rằng yêu cầu của họ về việc ông Assad phải ra đi không còn được “lắng nghe”.

 

Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump từng tuyên bố sẽ xem xét lại mọi vấn đề liên quan đến sự can dự của Mỹ tại Syria, trong khi Thổ Nhĩ Kỳ tháng trước lại nói rằng nước này không còn theo đuổi một giải pháp cho cuộc xung đột Syria, theo đó yêu cầu ông Assad phải từ bỏ quyền lực.

 

Bên cạnh đó, theo một số nguồn tin, khác với các cuộc đàm phán trước đây, nội dung của cuộc đàm phán lần này sẽ chỉ tập trung vào các vấn đề chính trị, thay vì tập trung cả vào vấn đề “hành lang nhân đạo” tại Syria như trước đây. Điều này được cho là sẽ giúp cuộc đàm phán diễn ra có trọng điểm và thực chất hơn.

 

Phát biểu trước báo giới, ông Ahmad Ramadan - thành viên phái đoàn đối lập nhận xét: “Trong các cuộc đàm phán trước đây, các nội dung về hỗ trợ nhân đạo và các vấn đề lộ trình chính trị luôn đan xen nhau. Tuy nhiên, trong cuộc đàm phán lần này, các bên sẽ chỉ tập trung thảo luận về lộ trình chính trị.  Do đó, nhiều khả năng các bên có thể đạt được tiến triển trong đàm phán, nếu có cả sự hợp tác từ phía Mỹ và các quốc gia tài trợ, các quốc gia có liên quan tham gia vào tiến trình đàm phán”.

 

Các cuộc đàm phán hòa bình về Syria đã diễn ra nhiều lần song đều lâm vào bế tắc do bất đồng giữa các bên liên quan. Dư luận Syria và thế giới đều kỳ vọng vòng đàm phán hòa bình Syria do Liên Hợp Quốc bảo trợ lần này sẽ mang lại một giải pháp nhằm chấm dứt cuộc nội chiến kéo dài gần 6 năm tại nước này.

 

Phát biểu trước báo giới hôm qua, Đặc phái viên Liên Hợp Quốc về Syria, ông Staffan de Mistura cho biết, ông không trông đợi một bước đột phá ngay lập tức trong vòng đàm phán hòa bình Syria diễn ra vào ngày 23/2 tại Geneva song ông xem đây là sự khởi đầu của một loạt vòng đàm phán nhằm hướng tới một giải pháp chính trị lâu dài cho Syria.

 

Cũng theo thông báo từ Đặc phái viên Liên Hợp Quốc, Nga đã yêu cầu Chính phủ Syria ngừng ném bom trong quá trình diễn ra đàm phán hòa bình nhằm hỗ trợ cho thành công của cuộc đàm phán.

 

Theo số liệu của Tổ chức giám sát nhân quyền tại Syria (SOHR) chiến sự kéo dài đã cướp đi mạng sống của hơn 310.000 người tại quốc gia Trung Đông này./.