Phát biểu trước thềm hội nghị, Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg tuyên bố, ưu tiên hàng đầu đối với liên minh quân sự này là tăng chi tiêu quốc phòng. Ông Stoltenberg nhấn mạnh, các quốc gia NATO đang cố gắng chấm dứt tình trạng cắt giảm ngân sách kéo dài nhiều năm qua.
“Chi tiêu quốc phòng của các thành viên châu Âu thuộc NATO và Canađa trong năm 2016 đã tăng khoảng 3,8%, tương đương khoảng 10 tỷ USD so với năm 2015. Điều này đang tạo nên sự khác biệt và chúng ta phải tiếp tục giữ được đà này”, ông Stoltenberg nói.
Lời khẳng định của Tổng Thư kí Stoltenberg được đưa ra sau khi những lo ngại nổi lên trong nội bộ các nước thành viên NATO gần đây về tuyên bố của Tổng thống Mỹ Donald Trump có thể không bảo vệ đồng minh nếu họ từ chối chia sẻ gánh nặng tài chính.
Thực tế không có nước thành viên NATO nào ở châu Âu muốn đánh mất sự bảo vệ của Mỹ- quốc gia góp chi tiêu quân sự nhiều nhất cho khối, chiếm khoảng 70%. Theo ước tính của NATO, trong năm 2016, Mỹ chi tiêu quốc phòng nhiều hơn tất cả các nước NATO khác hợp lại.
Với cam kết ưu tiên tăng chi tiêu quốc phòng, các nước thành viên NATO mong đợi trong hai ngày họp tại Brussels sẽ nhận được đảm bảo từ Bộ trưởng Quốc phòng Mattis, về những cam kết không thay đổi của Mỹ đối với liên minh quân sự này.
Ngoài ra, mặc dù bức tranh kinh tế NATO vẫn còn nhiều mảng sáng tối, khi một số nước đồng minh còn khó khăn sau cuộc khủng hoảng tại Khu vực đồng euro, nhưng việc các quốc gia thành viên tự cải thiện năng lực quốc phòng cũng được cho là điều cần thiết, trong bối cảnh các nước này đối mặt với hàng loạt các thách thức an ninh như căng thẳng với Nga hay đối phó với chủ nghĩa khủng bố.
Đức-một đồng minh quan trọng của Mỹ ở châu Âu- cho rằng, chia sẻ gánh nặng với Mỹ là cách để các nước thành viên NATO kiểm soát khủng hoảng. Bộ trưởng Quốc phòng Đức Ursula Von Dẻ Leyen nhấn mạnh: “Lời kêu gọi của Mỹ tới Đức và châu Âu chia sẻ gánh nặng là một yêu cầu chính đáng.
Nếu chúng ta muốn kiểm soát các cuộc khủng hoảng mà thế giới đang phải đối mặt như khủng bố hay đảm bảo năng lực quốc phòng của liên minh, chúng ta phải chia sẻ cùng nhau”.
Bên cạnh vấn đề ngân sách quốc phòng, tại cuộc họp hai ngày này, các nước thành viên NATO cũng muốn tìm kiếm một lập trường thống nhất chung của khối trong mối quan hệ với Nga.
Chương trình nghị sự của hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng NATO lần này dự kiến tiếp tục được đưa ra bàn thảo tại Hội nghị thượng đỉnh NATO diễn ra tại Brussels vào tháng 5 tới, với sự tham dự của Tổng thống Donald Trump./.