Liên minh châu Âu tuyên bố duy trì lệnh trừng phạt Nga

17:07, 07/02/2017

Tại cuộc họp ngày 6-2 ở Brussels (Bỉ), Ngoại trưởng của 28 quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) tuyên bố cho biết EU sẽ tiếp tục duy trì các biện pháp trừng phạt kinh tế nhằm vào Nga cho tới khi Moscow từ bỏ hỗ trợ cho lực lượng ly khai tại miền Đông Ukraine, bất chấp cam kết được Tổng thống Donald Trump đưa ra nhằm cải thiện quan hệ Nga - Mỹ.

Theo đó, EU cho thấy lập trường kiên định duy trì một mặt trận thống nhất về các vấn đề ngoại giao mà hiện được cho là “cứng rắn” đối với chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump, như vấn đề về Iran và vai trò của NATO.

 

Cao ủy Liên minh châu Âu phụ trách về an ninh và đối ngoại Federica Mogherini tuyên bố nêu rõ: “Tôi không thể nói quan điểm của chính quyền Mỹ về vấn đề này, nhưng tôi có thể nói về quan điểm của những người châu Âu”; đồng thời nhấn mạnh rằng Liên minh châu Âu sẽ không bao giờ công nhận việc Nga sáp nhập bán đảo Crimea và tất cả các bên phải tôn trọng thỏa thuận hòa bình Minsk nhằm chấm dứt giao tranh tại phía Đông Ukraine.

 

Tuy nhiên, phát biểu sau cuộc họp, Ngoại trưởng Hungary Peter Siyyarto lưu ý lệnh trừng phạt Nga của EU đã tác động tiêu cực đến nền kinh tế châu Âu. Ông cho rằng cần phải xem xét lại các biện pháp trừng phạt này tại hội nghị thượng đỉnh EU sắp tới.

 

Xung đột vũ trang bắt đầu bùng phát sau khi chính quyền Kiev phát động chiến dịch trấn áp lực lượng nổi dậy tại miền Đông Ukraine vào tháng 4/2014. Chính quyền Ukraine và một số nước phương Tây cáo buộc Nga có vai trò hậu thuẫn cho lực lượng ly khai tại miền Đông Ukraine và phải chịu trách nhiệm về cuộc khủng hoảng tại khu vực. Tuy nhiên, Nga đã nhiều lần bác bỏ cáo buộc này. Thỏa thuận hòa bình Minsk đạt được vào tháng 2/2015 đã giúp tình hình phía Đông Ukraine ổn định hơn, mặc dù vẫn có các vi phạm xảy ra gây nhiều thương vong, khiến cộng đồng quốc tế lo ngại.

 

EU áp đặt trừng phạt đối với Nga vào tháng 7/2014. Tháng 12/2016, EU gia hạn lệnh trừng phạt chống lại Nga thêm 6 tháng, kéo dài đến ngày 31/7/2017. Những biện pháp trừng phạt kinh tế do EU áp dụng với Nga được xem là một bước đi nhằm duy trì sức ép của liên minh này để hối thúc Moscow tôn trọng lệnh ngừng bắn vốn rất mong manh tại miền Đông Ukraine.

 

Trong khuôn khổ các biện pháp trừng phạt này, EU hạn chế quyền tiếp cận các thị trường tài chính sơ cấp và thứ cấp đối với 5 thể chế tài chính lớn thuộc quyền sở hữu của chính phủ Nga, cùng các chi nhánh lớn của các công ty này ở ngoài khối EU và 6 công ty năng lượng, quốc phòng khác của Nga.

 

Ngoài ra, các nước EU cũng hạn chế quyền tiếp cận của Nga đối với một số công nghệ, dịch vụ “được cho là nhạy cảm”, có thể sử dụng trong lĩnh vực sản xuất và khai thác dầu mỏ. Bên cạnh đó, lệnh trừng phạt của EU còn cấm các hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu vũ khí, đồng thời cấm xuất khẩu hàng hóa ứng dụng kép (trong cả lĩnh vực thương mại và quân sự) sang thị trường Nga./.
Khánh Linh (Theo Reuters, AFP, Euronews)