Ngày 26-5, kết thúc ngày làm việc đầu tiên trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) tại trên đảo Sicily (Italy), lãnh đạo các nước G7 đã thống nhất sẽ đẩy mạnh những nỗ lực chống chủ nghĩa khủng bố.
Hội nghị G7 năm nay được tổ chức với chương trình nghị sự chính là cuộc khủng hoảng di cư với những dòng người từ châu Phi đang tìm cách vượt qua biển Địa Trung Hải để tìm kiếm một cuộc sống tốt đẹp hơn ở châu Âu. Tuy nhiên, chủ đề này dã bị phủ bóng bởi những tranh cãi về biến đổi khí hậu và thương mại toàn cầu. Đồng thời, ngay trước thềm hội nghị, vụ tấn công tự sát làm 22 người chết ở Anh hôm 22-5 cũng đã khiến việc đối phó với chủ nghĩa khủng bố trở thành một chủ đề quan trọng của hội nghị.
Tuyên bố chung về đấu tranh chống chủ nghĩa khủng bố và bạo lực cực đoan trên toàn cầu được nguyên thủ các nước G7 thông qua bao gồm 15 điều. Theo đó, các nước G7 coi chống khủng bố là ưu tiên chủ chốt và sẽ cùng nhau có những hành động cứng rắn nhất để chống lại chủ nghĩa khủng bố, đồng thời cam kết đẩy mạnh những nỗ lực chống khủng bố. Tuyên bố cũng kêu gọi các nhà cung cấp dịch vụ Internet cùng các mạng xã hội nỗ lực hơn nữa trong việc ngăn chặn các nội dung kích động và truyền bá tư tưởng cực đoan của các đối tượng khủng bố.
Thủ tướng Anh Theresa May tuyên bố: "Tất cả các quốc gia chúng ta đều phải đối mặt với mối đe dọa khủng bố và hơn bất cứ khi nào, giờ đây chúng ta phải đẩy mạnh quyết tâm của mình để vượt qua mối đe dọa này".
Về vấn đề biến đổi khí hậu, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố với các đồng nghiệp G7 của mình từ Anh, Canada, Pháp, Đức, Ý và Nhật Bản rằng ông vấn chưa có quyết định về việc liệu có phê chuẩn Hiệp định về kiểm soát khí thải được ký năm 2015 ở Paris không.
Bên cạnh đó, những mâu thuẫn về thương mại toàn cầu cũng gây thất vọng cho các nhà lãnh đạo châu Âu, khi ông Trump đổ lỗi cho các hiệp định thương mại đa phương đã khiến nước Mỹ bị thâm hụt thương mại và đưa ra đòi hỏi về cái mà ông gọi là một "sân chơi công bằng".
Tuy nhiên, nguyên thủ các nước G7 tuyên bố họ đã đạt được thống nhất trong hàng loạt các vấn đề quốc tế, thí dụ như về Syria, Libya hay Triều Tiên.
Ngày 27-5, lãnh đạo nhóm các cường quốc thế giới G7 có buổi họp với nguyên thủ một số quốc gia châu Phi như Tunisia, Kenya, Ethiopia, Niger và Nigeria để thảo luận về cuộc khủng hoảng người di cư. Kể từ năm 2014 đến nay, đã có hơn nửa triệu người di cư vượt biển tràn vào Italy.
Lãnh đạo các nước châu Phi tham gia cuộc họp với mong muốn các cường quốc trợ giúp họ phát triển kinh tế, từ đó thuyết phục thế hệ trẻ châu Phi ở lại quê hương. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa có giải pháp nào được thông qua. Các đề xuất của Italy về việc nêu bật tác động tích cực của di cư và đẩy mạnh một sáng kiến về an ninh lương thực đã không được thông qua ở các cuộc thảo luận trước hội nghị.