Ngày 14-5, các nhà chức trách tại thủ đô Sanaa của Yemen, khu vực do phong trào vũ trang Houthi kiểm soát, đã ban bố tình trạng khẩn cấp sau khi dịch tả bùng phát, khiến hàng chục người thiệt mạng.
Hãng thông tấn nhà nước (Saba) cho biết, Bộ Y tế Yemen kêu gọi các tổ chức nhân đạo và tấm lòng thiện nguyện giúp đỡ giải quyết bệnh dịch và đẩy lùi “một thảm họa chưa từng có”. Hệ thống y tế của Yemen vốn đã xuống cấp nghiêm trọng trong hơn hai năm xảy ra chiến tranh, do đó không thể đối mặt với đợt bùng phát này.
Liên hợp quốc cho biết, chỉ có một vài cơ sở y tế tại Yemen vẫn đang hoạt động và 2/3 dân số không thể tiếp cận nước uống an toàn. Dù dịch bệnh đã giảm từ cuối năm 2016, nhưng các đợt bùng phát dịch tả đang trở nên thường xuyên hơn.
Các dữ liệu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho thấy, sau tỉnh lân cận Amanat al-Semah, thủ đô Sanaa liên tục hứng chịu các đợt bùng phát dịch bệnh nghiêm trọng nhất từ trước đến nay. Kể từ ngày 27-4, dịch tiêu chảy đã cướp đi tính mạng 51 người và hơn 2.700 người đang bị nghi nhiễm bệnh.
WHO cho biết, 7,6 triệu người đang sống trong các khu vực có nguy cơ lây truyền dịch tả cao. Trong khi đó, Liên hợp quốc ước tính, tại Yemen, khoảng 17 triệu người trong tổng số 26 triệu dân bị thiếu lương thực và ít nhất ba triệu trẻ em suy dinh dưỡng đang trong tình trạng nguy hiểm nghiêm trọng.
Hiện, Yemen đang chao đảo trong cuộc xung đột giữa phiến quân Houthi và liên quân do A-rập Xê-út đứng đầu. Kể từ khi giao tranh bùng phát tại nước này, hơn 10 nghìn người đã thiệt mạng, chủ yếu là do các cuộc không kích diễn ra gần như hằng ngày.