Các nước đồng loạt lên tiếng về khủng hoảng ngoại giao tại vùng Vịnh

07:38, 06/06/2017

Sau khi hàng loạt các quốc gia Arab đồng loạt cắt đứt quan hệ ngoại giao với Qatar, viện lý do nước này "bảo trợ khủng bố” và làm bất ổn tình hình trong khu vực, nhiều nước đã ngay lập tức đưa ra những phản ứng riêng xoay quanh cuộc khủng hoảng ngoại giao được xem là tồi tệ nhất trong khu vực kể từ năm 1981, khi thành lập Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC).

Trước làn sóng “tẩy chay”, “cô lập” từ phía liên minh các quốc gia vùng Vịnh, Bộ Ngoại giao Qatar vẫn một mực phủ nhận những cáo buộc nhằm vào nước này. Động thái cắt đứt quan hệ ngoại giao đánh dấu một vết rạn nứt  tồi tệ nhất trong nhiều năm qua giữa các quốc gia quyền lực nhất trong thế giới Arab.

 

Với những căng thẳng đang ngày một leo thang hiện nay tại vùng Vịnh, nhiều nước vừa lên tiếng kêu gọi Qatar và các quốc gia Arab cùng đối thoại. Thổ Nhĩ Kỳ, quốc gia có quan hệ mật thiết với Qatar trong lĩnh vực năng lượng, tuyên bố sẵn sàng làm mọi điều có thể để giúp "tháo ngòi nổ" căng thẳng, cũng như giải quyết các vấn đề một cách hòa bình.

 

Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu nhấn mạnh: “Tất cả chúng tôi đều cảm thấy rất buồn trước những diễn biến hiện nay. Giữa các nước có thể có một số khúc mắc, song đối thoại phải là giải pháp tiên quyết trong bất kỳ hoàn cảnh nào".

 

Cùng chung quan điểm với Thổ Nhĩ Kỳ khi cho rằng đối thoại là giải pháp duy nhất cho những bất đồng, Bộ Ngoại giao Iran hôm qua (5/6) kêu gọi Qatar và các quốc gia láng giềng tại vùng Vịnh cùng ngồi vào bàn đàm phán để tháo gỡ những khúc mắc hiện nay.

 

Trong khi đó, Trung Quốc cũng lên tiếng ủng hộ các nước liên quan sớm có những hành động nhằm thu hẹp cách biệt và kiềm chế căng thẳng phát sinh thời gian gần đây.

 

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Doanh khẳng định: "Trung Quốc hy vọng các nước có liên quan có thể giải quyết những vấn đề của họ một cách hợp lý thông qua đối thoại và tham vấn, cùng nhau làm việc để duy trì đoàn kết, đồng thời thúc đẩy hòa bình và ổn định trong khu vực”.

 

Nga và Mỹ là hai nước vốn có ảnh hưởng lớn đến tình hình tại vùng Vịnh cũng đã có tiếng nói riêng thể hiện lập trường quan điểm của mình về vấn đề này.

 

Với tư cách là quốc gia tham gia tích cực vào tiến trình chung của cuộc chiến chống khủng bố quốc tế, Nga bày tỏ hy vọng sự căng thẳng ngoại giao này không ảnh hưởng đến nỗ lực và quyết tâm “quét sạch” khủng bố trên toàn cầu.

 

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nhấn mạnh không muốn chứng kiến sự bất đồng trong quan hệ giữa các nước, tuy nhiên vẫn cho rằng quyết định cắt đứt mối quan hệ ngoại giao là “chuyện riêng” của các nước Arab.

 

Về phía Mỹ cũng nhất trí rằng các đồng minh Vùng Vịnh nên tự giải quyết những bất đồng của mình. Ngoại trưởng Rex Tillerson hối thúc các đồng minh vùng Vịnh tránh để vấn đề xung đột cá nhân làm ảnh hưởng đến chiến dịch chung chống khủng bố, khuyến khích các bên cùng nhau thảo luận về những khác biệt. Mỹ sẵn sàng đóng góp cho việc hàn gắn mối quan hệ giữa các nước.

 

Hiện chưa rõ những căng thẳng ngoại giao này sẽ đẩy mối quan hệ tương lai giữa Qatar và các nước trong khu vực đi tới đâu, nhưng trước mắt, một số hậu quả tức thì có thể dễ dàng nhận thấy, như việc hoạt động hàng không vùng Vịnh “tê liệt”, hay giá dầu tăng mạnh sau quyết định cô lập Qatar của liên minh các nước vùng Vịnh.

 

Mặc dù chưa ảnh hưởng ngay tới kim ngạch xuất khẩu dầu của khu vực, vụ bê bối ngoại giao còn gây lo ngại quá trình sản xuất, vận chuyển dầu ở khu vực Trung Đông, đặc biệt của các nước thành viên Tổ chức xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) sẽ bị đình trệ./.