Ngày 9-6, hội thảo quốc tế “Chuyển dịch địa chính trị ở châu Á - Thái Bình Dương và chặng đường nửa thế kỷ của ASEAN” đã được Bộ Ngoại giao phối hợp tổ chức với Mạng lưới các Viện nghiên cứu chiến lược ASEAN và Quỹ Konrad-Adenauer-Stiftung tại Hà Nội.
Tham dự buổi hội thảo có ông Nguyễn Mạnh Cầm, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ, nguyên Bộ trưởng Bộ Ngoại giao; ông Vũ Khoan, nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ; lãnh đạo Bộ Ngoại giao, các vị Đại sứ và học giả uy tín trong và ngoài nước.
Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Quốc Dũng, Thủ trưởng Bộ Ngoại giao cho biết: Trải qua 50 năm hình thành và phát triển, ASEAN đã ghi vào lịch sử của mình những thành tựu quan trọng, từ năm thành viên ban đầu đã mở rộng đầy đủ gồm 10 nước Đông Nam Á, thành lập trên cơ sở một tuyên bố chính trị đã trở thành một tổ chức hợp tác khu vực toàn diện hoạt động trên cơ sở pháp lý và khuôn khổ thể chế là Hiến chương ASEAN.
Đặc biệt, ASEAN đã có sự chuyển mình mang tính bước ngoặt khi chính thức hình thành Cộng đồng từ ngày 31/12/2015 với đầy đủ 3 trụ cột về chính trị - an ninh, kinh tế và văn hóa - xã hội. Dấu mốc bản lề này đã giúp ASEAN bước vào giai đoạn phát triển mới vững vàng hơn, nâng cao cả về hình thức, cấp độ hợp tác lẫn sự chuẩn bị nền tảng và khuôn khổ cho ASEAN xây dựng thành công một Cộng đồng ASEAN gắn kết về chính trị, liên kết về kinh tế và cùng chia sẻ trách nhiệm xã hội.
ASEAN hiện nay là một thực thể kinh tế ổn định và năng động, có khả năng thích ứng cao trước các chuyển biến của khu vực và thế giới. Với hơn 625 triệu dân, Cộng đồng ASEAN là một thị trường giàu tiềm năng tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Tổng GDP đạt gần 3.000 tỷ USD, đứng thứ 7 trên thế giới. Tổng thương mại hằng năm trên 1.000 tỷ USD.
ASEAN cũng đang giữ vai trò kết nối trong khu vực nhờ thành công trong quan hệ nhiều đối tác bên ngoài, nhất là các nước lớn, góp phần xây dựng và định hình cấu trúc khu vực qua các tiến trình, cơ chế và diễn đàn do ASEAN khởi xướng.
Trong bối cảnh đối mặt nhiều cơ hội cũng như những thách thức đan xen, ASEAN đứng trước yêu cầu phải tìm ra các giải pháp để ứng phó hiệu quả và bảo đảm việc thực hiện các mục tiêu của mình trong 4 vấn đề chính bao gồm: Xây dựng Cộng đồng vững mạnh; thu hút sự tham gia và mang lại lợi ích thiết thực cho người dân; nâng cao vai trò trung tâm của ASEAN trong khu vực và tiếng nói của ASEAN trên thế giới; đẩy mạnh liên kết kinh tế nội khối, thúc đẩy thương mại tăng khả năng cạnh tranh và sức hấp dẫn của ASEAN và thúc đẩy an sinh xã hội đáp ứng được mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc.
\
Các chủ đề thảo luận trong hội thảo rất phù hợp với thực trạng ASEAN và tình hình quốc tế cũng như khu vực. Hội thảo đã góp phần làm rõ những cơ hội và thách thức ASEAN đang phải đối mặt và ASEAN phải và cần làm gì để vượt qua thách thức đó.
Buổi hội thảo đã diễn ra trong không khí cởi mở, thẳng thắn, đề xuất được những kiến nghị, chính sách thiết thực cho các nước thành viên ASEAN, với mục tiêu chung là hướng tới một Cộng đồng ASEAN đoàn kết, tự cường, phát triển bền vững và vì lợi ích của mọi người dân.