Hội nghị thượng đỉnh G20: "Định hình một thế giới kết nối"

10:38, 06/07/2017

Hội nghị thượng đỉnh G20 được tổ chức từ ngày 7-8/7/2017 tại thành phố Hamburg, Cộng hòa Liên bang Đức. Chủ đề của Hội nghị thượng đỉnh G20 năm nay là “Định hình một thế giới kết nối” với ba trọng tâm nghị sự: Tạo dựng nền tảng tự cường; Tăng cường tính bền vững và Tăng cường trách nhiệm.

Nhóm G20 được thành lập năm 1999 sau cuộc khủng hoảng tài chính - tiền tệ châu Á 1997 - 1998, họp thường niên ở cấp Bộ trưởng Tài chính để thảo luận các vấn đề kinh tế - tài chính toàn cầu giữa các nước phát triển và các nền kinh tế mới nổi. Thành viên bao gồm các nước công nghiệp phát triển: G7 (Mỹ, Anh, Đức, Pháp, Nhật, Canada, Italia), BRIC (Braxin, Nga, Trung Quốc, Ấn Độ), Các nền kinh tế mới nổi có quy mô lớn (Australia, Agentina, Mexico, Hàn Quốc, lndonesia, Nam Phi, Ả rập Xê-út, Thổ Nhĩ Kỳ) và EU. Quy mô của G20 chiếm 2/3 dân số thế giới, 90% GDP toàn cầu và 80% thương mại quốc tế.

 

Đến nay, G20 đã tổ chức 11 Hội nghị Thượng đỉnh để thảo luận hầu hết các vấn đề lớn của kinh tế toàn cầu; đã thông qua nhiều văn kiện, thỏa thuận quan trọng về chống khủng hoảng tài chính toàn cầu, thúc đẩy tăng trưởng, thương mại, đầu tư, đổi mới - sáng tạo, ứng phó biến đổi khí hậu, chống dịch bệnh...

 

Khủng hoảng tài chính - kinh tế toàn cầu cộng hưởng với khủng hoảng năng lượng, lương thực, thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu... đặt ra nhiều thách thức, cũng như thể hiện sự yếu kém về năng lực quản trị toàn cầu của các định chế khu vực và quốc tế. Thực tế thời gian qua cho thấy một số tổ chức toàn cầu và khu vực thể hiện vai trò mờ nhạt trong việc giải quyết các thách thức toàn cầu ngày càng tăng. Vai trò của G8 trong việc giải quyết các vấn đề kinh tế toàn cầu ngày càng giảm và chịu sức ép phải điều chỉnh để thích ứng với tương quan lực lượng kinh tế thế giới đang dịch chuyển. G8 không còn “đủ sức” tự giải quyết mà phải cần đến sự hợp tác và phối hợp của các nền kinh tế mới nổi trong việc giải quyết các vấn đề kinh tế toàn cầu. Hiện nay, G20 được cho là đã trở thành cơ chế nòng cốt trong quản trị toàn cầu của thế kỷ 21, cơ bản dung hòa và thỏa hiệp được khác biệt lợi ích giữa các nền kinh tế lớn.

 

Việt Nam được mời tham dự Hội nghị thượng đỉnh G20 lần đầu tiên vào năm 2010 với tư cách Chủ tịch ASEAN. Đoàn Việt Nam do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dẫn đầu tham dự. Hội nghị Thượng đỉnh G20 lần thứ 4 được tổ chức từ ngày 26-27/6/2010 tại Toronto Canada. Hội nghị Thượng đỉnh G20 lần thứ 5 được tổ chức từ ngày 11-12/11/2010, tại Seoul, Hàn Quốc.

 

Tại các Hội nghị này, đoàn Việt Nam đã đề xuất và thúc đẩy một số vấn đề được các nước đang phát triển, đặc biệt là ASEAN và Việt Nam quan tâm như biến đổi khí hậu (nêu sáng kiến về việc G20 thành lập Quỹ đặc biệt hỗ trợ các nước chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu; thành lập Diễn đàn các quốc gia ven biển đối phó với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường sinh thái biển), thương mại, phát triển...

 

Tại Hội nghị thượng đỉnh G20 lần thứ 4 ở Toronto, Canada, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có các bài phát biểu quan trọng về hai chủ đề Khuôn khổ Tăng trưởng mạnh mẽ, bền vững và cân bằng và Chống chủ nghĩa bảo hộ và thúc đẩy thương mại và đầu tư.

 

Tại Hội nghị thượng đỉnh G20 lần thứ 5, ngày 11-12/11/2010 ở Seoul, Hàn Quốc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có các bài phát biểu quan trọng với nhiều sáng kiến, đề xuất cụ thể nhằm thúc đẩy chương trình nghị sự của G20 trong các lĩnh vực được các nước đang phát triển, đặc biệt là ASEAN và Việt Nam quan tâm. Trong các phát biểu tại các Hội nghị, Việt Nam nhiều lần nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường các hoạt động tham vấn và phối hợp chính sách giữa G20 với các tổ chức khu vực, trong đó có ASEAN; đề nghị G20 xem xét thiết lập thí điểm cơ chế tham vấn chính sách với một số tổ chức khu vực để trao đổi thông tin, quan điểm về các vấn đề kinh tế, tài chính khu vực và toàn cầu cũng như phối hợp triển khai các quyết sách quan trọng của G20.

 

Trên cương vị chủ nhà Năm APEC 2017, Việt Nam được mời tham dự Hội nghị thượng đỉnh G20 và các hoạt động liên quan trong năm Đức làm Chủ tịch. Từ tháng 12/2016 đến nay, Việt Nam đã cử đoàn tham dự các Hội nghị Bộ trưởng Tài chính - Ngân hàng Trung ương G20; Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao, Y tế, Lao động, Số hóa, Nông nghiệp; các Hội nghị cấp Thứ trưởng Tài chính và Phó Thống đốc Ngân hàng Trung ương G20; Hội nghị quan chức cao cấp và các cuộc họp nhóm công tác quan trọng của G20; tham gia thảo luận tại tất cả các phiên họp của Hội nghị thượng đỉnh và đóng góp ý kiến cho dự thảo Tuyên bố chung Hội nghị.

 

Trên cơ sở chủ đề “Định hình một thế giới kết nối” và các trọng tâm nghị sự, Hội nghị thượng đỉnh G20 năm nay dự kiến có 5 phiên thảo luận:

 

Phiên 1: Các vấn đề liên quan đến kinh tế thế giới (tăng trưởng kinh tế thế giới, thương mại, tài chính và thuế). Tại phiên này, các nước G20 sẽ trao đổi các giải pháp để thúc đẩy và duy trì tăng trưởng kinh tế thế giới hướng đến xây dựng một nền kinh tế toàn cầu tự cường, bền vững và bao trùm.

 

Phiên 2: Các vấn đề biến đổi khí hậu và năng lượng. Tại phiên này, các nước G20 sẽ thúc đẩy kết nối vấn đề biến đổi khí hậu và năng lượng, theo đó thúc đẩy các ưu tiên về sử dụng năng lượng hiệu quả, năng lượng tái tạo, xây dựng nền kinh tế phi carbon.

 

Phiên 3: Y tế. G20 năm nay dành ưu tiên cho thảo luận vấn đề chống nhờn kháng sinh (AMR); thúc đẩy sử dụng thận trọng kháng sinh trong tất cả các lĩnh vực.

 

Phiên 4: Các vấn đề phát triển, châu Phi và phụ nữ. Phiên này thảo luận về việc thực hiện Chương trình nghị sự 2030, hỗ trợ châu Phi và vấn đề phụ nữ - bình đẳng giới.

 

Phiên 5: Vấn đề việc làm và số hóa. Tại phiên này, các nước G20 sẽ thảo luận một số định hướng như thúc đẩy cạnh tranh trong nền kinh tế số; hỗ trợ doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSMES) tranh thủ lợi ích của số hoá; giải quyết vấn đề lao động, việc làm trong kinh tế số...