Thượng viện Ba Lan thông qua dự luật Tòa án tối cao gây tranh cãi

16:11, 22/07/2017

Sau hơn 10 giờ tranh cãi quyết liệt, rạng sáng 22-7 Thượng viện Ba Lan đã bỏ phiếu thông qua dự luật về cơ cấu lại tổ chức Tòa án tối cao.

Dự luật được thông qua bất chấp những cảnh báo vi phạm nguyên tắc thượng tôn pháp luật từ Ủy ban châu Âu (EC) và những người chỉ trích dự luật, cũng như các cuộc biểu tình rầm rộ trên khắp cả nước.

 

Tại phiên thảo luận căng thẳng diễn ra từ chiều 21/7 đến rạng sáng 22/7, phe đối lập cho rằng dự luật do đảng Pháp luật và Công lý cầm quyền khởi xướng là vi hiến khi vi phạm các nguyên tắc dân chủ, tước đoạt quyền của các luật sư, và trao quyền kiểm soát hệ thống tòa, trong đó có Tòa án tối cao, cho chính phủ. Họ đề xuất hơn 100 sửa đổi đối với dự luật, nhưng đề nghị đó đã bị các Thượng nghị sĩ thuộc đảng Pháp luật và Công lý bác bỏ.

 

Sau hơn 10 giờ tranh cãi, các Thượng nghị sĩ đã quyết định bỏ phiếu vào lúc 1h57 sáng ngày 22/7 mà không có bất kỳ sự sửa đổi nào so với phiên bản mà Hạ viện đã thông qua cách đó hai ngày. Kết quả, có 55 phiếu ủng hộ, 23 phiếu chống, và hai phiếu trắng.

 

Thông báo kết quả bỏ phiếu với báo chí, Chủ tịch Thượng viện Stanisław Karczewski thuyết phục người dân Ba Lan rằng dự luật này là giải pháp tốt cho ngành tư pháp Ba Lan và ông tin những cải cách có trong dự luật sẽ đưa ngành tư pháp nước này đi đúng hướng. Ông cũng hy vọng Tổng thống Andzrej Duda, người sẽ xem xét và đặt bút ký ban hành luật, sẽ có quyết định nhanh chóng.

 

Trong khi Thượng viện tranh cãi dự luật, tối 21/7 hàng chục nghìn người Ba Lan đã xuống đường tại thủ đô Warsaw và các thành phố lớn để phản đối việc thông qua dự luật. Nhiều người biểu tình đốt nến, tay cầm cờ Ba Lan và Liên minh châu Âu (EU), kêu gọi quyền được tự do của các tòa án và đề nghị Tổng thống phủ quyết dự luật.

 

Những cải cách tư pháp gần đây của Ba Lan đã gây quan ngại cộng đồng quốc tế. Ủy ban châu Âu cảnh báo sẽ kích hoạt điều 7 Hiệp ước Liên minh châu Âu trừng phạt Ba Lan do những cải cách này vi phạm những nguyên tắc cơ bản của khối.

 

Sau khi bị khước từ cuộc gặp với Tổng thống Andzrej Duda, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk cảnh báo tình hình tại Ba Lan là rất nghiêm trọng, nó gây hậu quả tồi tệ với Ba Lan mà trước hết uy tín của nền kinh tế lớn thứ sáu này trong EU sẽ bị sụt giảm.

 

Mỹ, nước đồng minh thân cận của Ba Lan tại NATO, cũng lên tiếng bày tỏ sự quan ngại đến tình hình tại nước này. Bộ ngoại giao Mỹ ra tuyên bố kêu gọi tất cả các bên đảm bảo cải cách tư pháp không vi phạm Hiến pháp quốc gia hay các nghĩa vụ pháp lý quốc tế, cũng như tôn trọng các nguyên tắc độc lập của ngành tư pháp và sự tách bạch về quyền lực.

 

Tuy nhiên, trong bài phát biểu trên truyền hình, Thủ tướng Beata Szydlo khẳng định Ba Lan sẽ không chịu khuất phục trước mọi sức ép của dư luận trong nước và quốc tế. Thủ tướng bảo vệ việc thông qua dự luật bởi nó giúp cải cách hệ thống tư pháp được bà cho là hoạt động không hiệu quả và có phần quan liêu trong thời gian qua.

 

Hiện dự luật về cải tổ cơ cấu Tòa án Tối cao, cùng hai dự luật về Hội đồng Thẩm phán quốc gia và các tòa án được Quốc hội thông qua vào tuần trước, đã được chuyển lên Tổng thống Andzrej Duda, một người ủng hộ chủ trương của đảng cầm quyền, xem xét./.