Yếu tố kinh tế có thể là “chìa khóa” giúp kết thúc chiến tranh Syria

08:07, 09/08/2017

Kể từ khi nhậm chức, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã từng bước nâng áp lực quân sự lên tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, nối tiếp chính sách được chính quyền tiền nhiệm xây dựng. Tổng thống Trump cũng nỗ lực để tái thiết lập cái mà Mỹ gọi là “giới hạn đỏ” đối với việc sử dụng vũ khí hóa học ở Syria và bắt đầu một cuộc đối thoại mới với Nga để thiết lập những khu vực ngừng bắn trên lãnh thổ Syria.

Ông Trump còn tỏ ra vô cùng khôn ngoan khi không “nhắm mắt lao vào” các cuộc đàm phán mà một số người cho là “vô ích” ở Geneva vốn được chính quyền ông Obama tin là có thể tạo ra một Chính phủ thống nhất quốc gia ở Syria.

 

Thực tế là với sự giúp đỡ từ Nga, Chính phủ của Tổng thống Syria Bashar Al-Assad sẽ không đi đâu hết và sự chuyển giao quyền lực như kỳ vọng của Mỹ và phương Tây nếu có ở Syria sẽ chỉ là tạm thời và ở những khu vực nhỏ lẻ chứ không thể có chuyện “thay máu toàn bộ” ở quốc gia Trung Đông này.

 

Theo giới quan sát, nếu muốn giải quyết được bài toán khó Syria, ông Trump sẽ cần rất nhiều yếu tố mà quan trọng nhất vẫn là phải có một chiến lược thống nhất để từ đó từng bước thực hiện kế hoạch đặt ra.

 

Mỹ cần thêm yếu tố đòn bẩy ở Syria

 

Cuộc chiến ở Syria là quá phức tạp để có thể giải quyết dứt điểm ngay lập tức. Mỹ cần thêm nhiều yếu tố mang tính đòn bẩy khi Washington tìm cách đặt ra các điều kiện để xây dựng con đường đi đến kết thúc cuộc chiến ở Syria. Một phần trong các yếu tố này chính là yếu tố kinh tế.

 

Với chiến lược này, Mỹ có thể tận dụng khả năng tập trung nguồn lực kinh tế của phương Tây và các nước Arab một cách khôn ngoan để hình thành các khu tự trị. Mục đích cuối cùng là thay đổi chế độ ở Syria, Mỹ có thể đạt được điều này thông qua việc thuyết phục ông Assad chuyển giao quyền lực cho chính quyền kế nhiệm (điều này hầu như không có khả năng xảy ra); hoặc “mua chuộc” người dân Syria bằng cách ra điều kiện buộc ông Assad phải ra đi để đổi lấy những khoản viện trợ tái thiết đất nước.

 

Theo ước tính, chi phí tái thiết đất nước Syria sau hơn 6 năm bị chiến tranh tàn phá sẽ mất tới 100 tỷ USD mỗi năm – đây là số tiền mà các đồng minh của Tổng thống Assad không có. Do vậy, cơ hội của Mỹ để sử dụng yếu tố kinh tế làm đòn bẩy giải quyết vấn đề Syria là hoàn toàn khả thi.

 

Tuy nhiên, để có thể thúc đẩy một cách đầy đủ chiến lược kinh tế nói trên, chắc chắn, Mỹ và đồng minh cần phải đạt được thành công lớn hơn, rõ nét hơn trên chiến trường. Khu vực hiện được cho là khả dĩ nhất để Mỹ thực hiện chiến lược này là ở phía Bắc Syria do lực lượng người Kurd kiểm soát.

 

Về mặt quân sự, Mỹ phải tăng cường đào tạo và chuyển giao vũ khí cho lực lượng đồng minh được lựa chọn cẩn thận trên thực địa, giúp lực lượng này tạo ra một bộ mặt thân thiện nhưng vẫn phải đủ khả năng tự bảo vệ chính mình.

 

Điều này thoạt nghe có vẻ như giống như việc thiết lập “các khu an toàn” mà Nga đã làm ở Syria nhưng Mỹ sẽ không phải là bên đưa ra tuyên bố chính thức về việc thiết lập và cũng không cam kết bảo vệ các khu vực này bằng mọi giá. Mặc dù vậy, Mỹ sẽ phải đưa ra cảnh báo với chính quyền Tổng thống Assad về hành động đáp trả nếu những khu vực nói trên bị tấn công.

 

Song song với đó, Mỹ cần phải tận dụng nguồn tài chính của phương Tây và các nước vùng Vịnh để bơm nguồn hỗ trợ cho hoạt động quân sự mang tính chiến lược. Hầu như tất cả các “ông lớn” tài chính của Thế giới như Liên minh châu Âu (EU), Mỹ, Canada, Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc, các quốc gia vùng Vịnh… đều có xu hướng ủng hộ cách tiếp cận này vì lợi ích chiến lược tương thích chung của họ ở Syria.

 

Sức ép kinh tế có thể thay đổi cục diện ở Syria như thế nào?

 

Mục tiêu đầu tiên là nhằm đẩy nhanh việc cung cấp viện trợ nhân đạo khi “những khu được bảo vệ” hình thành. Theo thời gian, Mỹ sẽ tìm cách cung cấp viện trợ giúp các khu vực này tái thiết. Như đã nói ở trên, Chính phủ Syria sẽ không nhận được bất kỳ một khoản viện trợ tái thiết nào trừ khi ông Assad ra đi nhưng họ vẫn có thể nhận được viện trợ nhân đạo nếu chấp nhận ngừng bắn. Điều này có thể sẽ tạo động cơ thúc đẩy phe trung thành với Tổng thống Assad ngừng chiến và lập kế hoạch thiết lập các khu vực chuyển giao để chia sẻ nỗ lực tái thiết đất nước. 

 

Ở bước tiếp theo, Mỹ sẽ cần phải thỏa hiệp được với tất cả các bên về cách tiếp cận này. Cụ thể hơn, bản thân Tổng thống Syria Bashar Al-Assad, Nga và Iran sẽ phải chấp nhận rằng, ông Assad không thể trực tiếp cai trị các khu vực rộng lớn của người Sunni và người Kurd ở Syria nữa.

 

Đổi lại, Mỹ và các nước đồng minh cũng sẽ phải chấp nhận rằng, ông Assad trên thực tế vẫn có quyền lựa chọn người kế nhiệm mình. Đây cũng là mong muốn của phía Nga. Quá trình chuyển đổi chính trị ở Syria sẽ không phải là một sản phẩm của quá trình đàm phán trung lập ở Geneva và Mỹ chỉ có thể tập trung vào việc hạn chế khả năng chính quyền mới của Syria có quan hệ gần gũi với Hezbollah.

 

Chính phủ mới của Syria (nếu được hình thành) theo mục đích mà Mỹ và đồng minh hướng tới sẽ phải bao gồm đại diện của người Sunni, người Kurd và tất nhiên phải cam kết bảo vệ nhóm người dân tộc thiểu số và Kitô giáo. Tuy nhiên, khó có hy vọng về một thực thể thật sự dân chủ ở Syria.

 

Tất nhiên, đây vẫn chưa phải là một kế hoạch hoàn chỉnh cho Syria. Mỹ vẫn cần phải tiếp tục tìm cách đánh bại các phần tử có liên kết với Al-Qaeda ở khu vực xung quanh Idlib mà kịch bản lý tưởng nhất là có sự cộng tác với Nga. Bên cạnh đó, Mỹ cũng cần phải đảm bảo ổn định lâu dài ở khu vực đông Syria, tránh để khu vực này trở thành “mảnh đất tự do” cho tất cả các bên hoặc nhanh chóng bị Iran thâu tóm.

 

Nói tóm lại, một chiến lược tổng thể sẽ làm cho mục tiêu của Mỹ trở nên thực tế hơn và ít có mối liên hệ trực tiếp với các lợi ích cốt lõi của Nga hơn. Bằng cách chính thức đẩy việc lật đổ ông Assad xuống chỉ còn là mục tiêu thứ yếu và tập trung vào việc gây sức ép về mặt tài chính thay vì có các hành động can thiệp quân sự, Mỹ có thể đạt được hầu hết các mục tiêu chiến lược của mình tại Syria thông qua sức mạnh kinh tế./.