Ngày 27-9, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã công bố đề xuất cắt giảm thuế cho hầu hết người Mỹ. Đây được coi là cải cách thuế lớn nhất ở Mỹ trong vòng 3 thập niên qua. Tuy nhiên, xung quanh đề xuất này đã xuất hiện những quan ngại.
Từ chủ trương giảm thuế cho mọi người…
“Sự cắt giảm thuế lớn nhất về căn bản trong lịch sử nước nhà”. “Đó sẽ là một điều đặc biệt” mà Tổng thống Donald Trump nói với các phóng viên tại Tòa Bạch Ốc ngày 27/9. Kế hoạch này, được soạn thảo bởi các chuyên gia của ông Trump trong gần 8 tháng qua, trong đó có các nghị viên Cộng hòa hàng đầu trong Quốc hội và được sự ủng hộ của các doanh nghiệp lớn của Mỹ.
Ông Trump nói: “Tôi nghĩ có rất ít lợi ích cho những người giàu có”, theo đề xuất này, phần thu nhập chịu thuế liên bang của các gia đình thuộc tầng lớp trung lưu điển hình sẽ ít đi. Rằng chương trình cải tổ thuế của ông nhằm mục đích hỗ trợ tầng lớp lao động, tạo công ăn việc làm, và đưa luật thuế Mỹ trở nên đơn giản và bình đẳng hơn.
Được biết, trong quá tình tranh cử, ông Trump đã từng kêu gọi giảm thuế doanh nghiệp từ mức 35% hiện tại xuống còn 15%, nhưng nay mới chỉ đạt mức 20% vì lý do ngân sách, trong khi thuế suất cá nhân được cắt giảm từ 39,6% xuống còn 35%.
Giới quan sát cho rằng, việc viết lại toàn bộ luật thuế của Mỹ là điều mà các nhà lập pháp vẫn chưa làm được từ hàng chục năm qua, kể từ năm 1986 - năm cải tổ gần đây nhất.
Đến những bất cập trong thực tiễn…
Theo giới phân tích, đề xuất cải cách thuế được Nhà Trắng công bố, phần thu nhập là đối tượng bị đánh thuế của các gia đình trung lưu Mỹ sẽ giảm xuống. Theo đó, phần thu nhập 12.000 USD đầu tiên của cá nhân và 24.000 USD đầu tiên của cặp vợ chồng sẽ được miễn thuế.
Thuế suất thu nhập cá nhân tối đa sẽ giảm còn 35% từ 39,6% hiện nay. Ngoài ra, thuế suất thu nhập doanh nghiệp sẽ giảm về 20%, từ mức 35% hiện tại, nhưng vẫn chưa đạt mức mong muốn 15% như ông Trump hứa hẹn hồi còn tranh cử.
Tuy nhiên, phe Dân chủ tại Quốc hội nói rằng kế hoạch cải cách thuế của ông Donald Trump sẽ làm tăng thâm hụt ngân sách liên bang và mang lại lợi ích nhiều hơn cho người giàu thay vì tầng lớp trung lưu.
Ông Chuck Schumer, nhân vật cấp cao nhất của đảng Dân chủ trong Thượng viện Mỹ, phát biểu: “Theo kế hoạch này, thì những người Mỹ giàu nhất và những công ty giàu nhất sẽ có lợi lớn, còn tầng lớp trung lưu có tiếng nhưng chẳng có miếng”.
Còn Thượng nghị sỹ Ron Wyden, cũng là nhân vật thế lực của Đảng Dân chủ tại Ủy ban Tài chính Thượng viện, lại chỉ trích: “Nếu chương trình này là vì tầng lớp trung lưu, thì cao tốc Trump Tower chính là ngôi nhà của người trung lưu”.
Giới chuyên gia lo ngại rằng, việc cắt giảm thuế mạnh tay của Tổng thống Trump sẽ khiến thâm hụt ngân sách và nợ công của Mỹ phình to đến mức sự kỳ vọng tăng trưởng kinh tế mà đảng Cộng hòa đề ra sẽ không trở thành hiện thực bởi lãi suất tăng.
Giới chuyên gia còn dự báo, kế hoạch của Tổng thống Donald Trump có thể khiến nguồn thu thuế của Chính phủ Mỹ giảm đi khoảng 5,8 nghìn tỷ USD trong 10 năm tới và có mức chi phí ròng 2,2 nghìn tỷ USD trong thời gian đến năm 2027. Đó là những bất cập mà đề xuất cải cách thuế của chính quyền Donald Trump cần tính đến trước khi đưa ra Quốc hội thông qua vào năm 2018.
Và lời kêu gọi đồng thuận tại Quốc hội…
Đề xuất cái cách thuế của Tổng thống Donald Trump giờ đây đang phải đối mặt với một quá trình lập pháp dài hạn và có thể phải mất nhiều tháng. Ông Trump đã kêu gọi phe Dân chủ ủng hộ kế hoạch này, mặc dù họ không được tham vấn trong quá trình soạn thảo.
Ông Donald Trump gọi kế hoạch của ông là “đợt giảm thuế lịch sử đối với người Mỹ”, “Đây là cơ hội cả đời người mới có một lần. Chúng tôi muốn có những cải cách thuế hỗ trợ tăng trưởng, hỗ trợ việc làm, giúp ích cho người lao động, tốt cho các gia đình, và một chương trình cải cách thuế thân thiện với người Mỹ”.
Tuy nhiên, theo giới quan sát, đề xuất mà Tổng thống Donald Trump nói là nhằm giúp đỡ người lao động và tạo ra công ăn việc làm, đang phải đối mặt với thử thách khó khăn tại Quốc hội trong khi nội bộ đảng Cộng hòa cũng có sự phân hóa, còn đảng Dân chủ lại chống đối kịch liệt.
Phe đa số tại đảng Cộng hòa chỉ định giảm mức thuế thu nhập của doanh nghiệp đối với các doanh nghiệp nhỏ, những người kiếm tiền nhiều nhất và bãi bỏ một số khoản giảm thuế được sử dụng rộng rãi, bao gồm một khoản làm lợi cho những người ở các bang đóng thuế cao do phe Dân chủ chi phối.
Hiện nay các công ty ở Mỹ đóng thuế khá cao xét theo tiêu chuẩn toàn cầu, nhưng nhiều công ty đóng ít hơn nhiều so với mức thuế suất cơ bản do những lỗ hổng của luật pháp Mỹ và do các khoản giảm thuế phái sinh.
Được biết, khi còn đang tranh cử vào năm ngoái, bên cạnh nhiều cam kết khác, ông Trump đã hứa sẽ mạnh tay cắt giảm thuế nếu đắc cử. Tuy nhiên, kể từ khi ông Trump lên cầm quyền vào ngày 20 tháng 1 năm nay, mặc dù đảng Cộng hòa của ông kiểm soát cả Nhà Trắng và cả lưỡng viện Quốc hội, nhưng vẫn chưa thông qua được một dự luật nào về kinh tế xã hội.
Như vậy, đề xuất cải cách thuế, là một trong những nội dung cốt lõi của chính sách kinh tế của chính quyền Tổng thống Donald Trump, được chuẩn bị khá công phu trong bối cảnh 8 tháng cầm quyền. Tuy nhiên, xét về kinh tế - xã hội, vẫn còn những bất cập do chưa tương thích giữa tham vọng và thực tiễn của nền tài chính quốc gia.
Vì thế, dư luận cho rằng, đề xuất cải cách thuế của Tổng thống Donald Trump có thể còn phải điều chỉnh để trở thành Dự luật trước khi thông qua Quốc hội Mỹ vào năm 2018./.