Tổng Thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Antonio Guterres hôm 4-4 đã bày tỏ quan ngại sâu sắc về những cáo buộc sử dụng vũ khí hóa học trong một cuộc không kích xảy ra cùng ngày nhằm vào thị trấn Khan Sheikhoun ở tỉnh Idlib, tây bắc Syria.
Trước đó, người đứng đầu cơ quan y tế tại Idlib, hiện đang nằm dưới sự kiểm soát của lực lượng nổi dậy, cho biết có hơn 50 người đã thiệt mạng và khoảng 300 người đã bị thương trong vụ việc. Trong khi đó, theo Liên đoàn các tổ chức chăm sóc y tế bao gồm các cơ quan viện trợ quốc tế đang hỗ trợ các bệnh viện ở Syria, số người thiệt mạng ít nhất là 100 người. Tổ chức giám sát nhân quyền Syria trước đó cho hay, các máy bay chiến đấu đã không kích vào khu vực kiểm soát bởi lực lượng nổi dậy ở Khan Sheikhoun, khiến 58 người chủ yếu là dân thường thiệt mạng.
Tuyên bố đưa ra bởi người phát ngôn của ông Guterres cho biết, LHQ hiện chưa thể xác nhận độc lập tính xác thực của các báo liên quan đến vụ việc. Nhưng cũng theo tuyên bố này, nhóm điều tra của Tổ chức Cấm vũ khí hóa học (OPCW) đã bắt đầu thu thập thông tin về vụ tấn công tình nghi sử dụng khí độc này.
Ông Guterres cũng nhấn mạnh rằng Hội đồng Bảo an LHQ khẳng định việc sử dụng vũ khí hoá học ở bất cứ nơi nào đều là một sự vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế.
Phe đối lập ở Syria cáo buộc lực lượng không quân của quân đội chính phủ đứng sau vụ tấn công này. Mặc dù không đưa ra bằng chứng nào, chính quyền Mỹ cũng đã lên án cuộc tấn công bằng khí độc là "hành động tàn bạo" từ phía Chính phủ Syria.
Trong khi đó, hãng thông tấn nhà nước SANA dẫn tuyên bố của quân đội Syria phủ nhận có liên quan đến vụ việc, đồng thời cho rằng những cáo buộc nhằm vào quân đội chính phủ là không có cơ sở bởi quân đội Syria chưa bao giờ sử dụng các chất độc hóa học và cũng sẽ không làm điều này trong tương lai. Quân đội Syria cũng lên tiếng quy trách nhiệm cho các "nhóm khủng bố" về việc sử dụng vũ khí hóa học.
Trả lời phỏng vấn kênh truyền hình Mayadeen TV hôm 4-4, Thứ trưởng Ngoại giao Syria Faisal Mekdad cáo buộc lực lượng phiến quân được sự hỗ trợ từ phương Tây và Ả-rập Xê-út là những kẻ đứng đằng sau vụ tấn công ở Khan Sheikhoun.
Ông Mekdad cũng nhấn mạnh, Syria đã tuân thủ tất cả các cam kết của mình đối với OPCW khi tham gia Công ước cấm vũ khí hóa học (CWC), đồng thời cho biết chính phủ nước này đã cung cấp thông tin cho OPCW cách đây vài tuần liên quan đến vụ buôn lậu các chất hóa học độc hại vào miền bắc Syria bởi Mặt trận Nusra có liên hệ với mạng lưới khủng bố quốc tế al-Qaida.
Nhà ngoại giao Syria cũng kêu gọi cộng đồng quốc tế xác định trách nhiệm của các bên liên quan đứng đằng sau vụ tấn công.
Cùng ngày, đặc phái viên LHQ về vấn đề Syria, ông Staffan de Mistura nhận định, vụ tấn công được cho là sử dụng chất độc hóa học và được thực hiện từ trên không, đồng thời nhấn mạnh yêu cầu cần phải có một sự giải trình rõ ràng về vụ việc.
Cuộc tấn công hôm qua không phải là vụ việc đầu tiên được ghi nhận tại Syria trong bối cảnh chính phủ và lực lượng nổi dậy đã đưa ra các cáo buộc lẫn nhau về việc sử dụng vũ khí hoá học được cho là đã xảy ra tại một số khu vực ở quốc gia Trung Đông này trong những năm qua.
Hồi tháng 8-2013, có tới 1.400 người đã thiệt mạng khi một số khu vực trong tầm kiểm soát của phe đối lập ở vùng ngoại ô Thủ đô Damascus đã trúng đạn pháo có chứa chất hóa học sarin. Cả lực lượng đối lập lẫn Chính phủ Syria đều cáo buộc lẫn nhau đứng đằng sau vụ tấn công.
Cũng trong năm 2013, một vụ tấn công khác đã xảy ra tại thị trấn Khan al-Asal nằm dưới sự kiểm soát của lực lượng chính phủ ở vùng nông thôn Aleppo, khiến một số binh lính Syria và thường dân thiệt mạng và gặp vấn đề về hô hấp. Chính quyền Damascus đã cáo buộc phe nổi dậy thực hiện vụ tấn công nhưng lực lượng đối lập Syria đã bác bỏ cáo buộc này.