Bên lề khóa họp lần thứ 72 của Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc đang diễn ra tại New York, Mỹ, ngày 20/9, các bên liên quan về vấn đề Libya đã tổ chức một cuộc họp riêng nhằm tìm kiếm một giải pháp cho cuộc khủng hoảng chính trị tại đây.
Phát biểu tại cuộc họp, đặc phái viên Liên Hợp Quốc về Libya Ghassan Salame đã đưa ra đề xuất sửa đổi thỏa thuận hòa bình năm 2015 đang bị đình trệ.
Theo đề xuất sửa đổi, Hội đồng Tổng thống của Chính phủ Đoàn kết dân tộc Libya (GNA) sẽ phải giảm số lượng thành viên từ 9 xuống còn 3 người, sau đó đề cử một chính phủ chuyển tiếp mới.
Ông Salame nhấn mạnh, kế hoạch hành động này không phải do ông xây dựng mà sẽ do chính người dân Libya lựa chọn. Theo ông Salame, người dân Libya mong muốn một tiến trình toàn diện, một con đường tương lai với các giai đoạn và mục tiêu được xác định một cách rõ ràng.
Việc soạn thảo kế hoạch sẽ bắt đầu vào tuần tới trước khi triệu tập một hội nghị quốc gia với sự góp mặt của tất cả các bên tham chiến chính tại Libya, cùng tham gia vào tiến trình chính trị. Dự kiến, kế hoạch hành động mới này sẽ kéo dài một năm.
Ngay lập tức, kế hoạch này đã nhận được sự ủng hộ của các nước Pháp, Anh và Italy - những quốc gia đang cố gắng duy trì ảnh hưởng của mình tại Libya. Trong khi đó, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres cũng đã bày tỏ tin tưởng khi xem đây là cơ hội để chấm dứt cuộc khủng hoảng tại Libya cũng như các hệ lụy bất ổn của nó ảnh hưởng ra bên ngoài biên giới quốc gia này.
Ông Guterres cho biết: “Tôi tin tưởng sâu sắc rằng đang có một cơ hội về một giải pháp chính trị tại Libya. Tôi tin rằng, bất chấp sự khác biệt trong quan điểm, sự quan tâm hay bất kỳ sự riêng rẽ nào, chúng ta vẫn cần đến với nhau để biến cơ hội này thành hiện thực.
Ngày 21/9 sẽ là cơ hội để chúng ta chấm dứt cuộc khủng hoảng kéo dài, chấm dứt sự đau khổ cho người dân cũng như sự bất ổn bên ngoài biên giới của Libya. Chúng ta cần phải nắm bắt thời cơ này”.
Phát biểu sau vài giờ của cuộc họp trên, tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, người đứng đầu chính phủ Đoàn kết Dân tộc Libya (GNA) Fayez al-Serraj cho biết: “Thỏa thuận chính trị mà người dân Libya đã chọn sau ba năm đàm phán là nền tảng để giải quyết các vấn đề khác nhau. Chúng ta đang trải qua một quá trình chuyển đổi để đảm bảo rằng chúng ta có thể cùng tồn tại, bỏ lại quá khứ ở phía sau để ổn định đất nước”.
Tuy nhiên, những thay đổi của thỏa thuận năm 2015 sẽ phải được Quốc hội Chính phủ đối lập Libya có trụ sở ở miền Đông, vốn ủng hộ lực lượng Quân đội Quốc gia Libya (LNA) do Tướng Khalifa Haftar làm thủ lĩnh, thông qua.
Dự kiến, một phái đoàn của chính quyền miền Đông Libya sẽ tham gia đàm phán với đại diện Chính phủ tại thủ đô Tripoli được Liên Hợp Quốc hậu thuẫn, nhằm tìm kiếm một thoả thuận trước ngày 17/12 tới - thời điểm thỏa thuận năm 2015 hết hiệu lực.
Theo Đặc phái viên Liên Hợp Quốc về Libya, để tổ chức cuộc bầu cử mới tại Libya sẽ cần phải chuẩn bị một khuôn khổ pháp lý, bao gồm việc soạn thảo luật bầu cử và có thể là một cuộc trưng cầu ý dân để thông qua một hiến pháp mới.
Kể từ khi xảy ra cuộc nổi dậy lật đổ nhà lãnh đạo Gaddafi vào năm 2011, Libya rơi vào trình trạng bất ổn với sự tranh giành ảnh hưởng của nhiều nhóm vũ trang khác nhau.
Chính phủ Đoàn kết dân tộc Libya được Liên Hợp Quốc hậu thuẫn đã ra đời vào tháng 3 năm 2016. Tuy nhiên đến nay, Chính phủ này vẫn đang chật vật trong việc xác lập quyền lãnh đạo trên cả nước./.