Cuộc bỏ phiếu bầu Tổng Giám đốc mới của UNESCO đã diễn ra vào cuối giờ chiều 9/10, tại trụ sở UNESCO ở thủ đô Paris, Pháp. Ứng cử viên Qatar, ông Hammad bin Al-Kawari đã giành số phiếu cao nhất (19 phiếu), theo sau là các ứng cử viên Pháp, bà Audrey Azoulay (13 phiếu) và Ai Cập, bà Moushira Khattab (11 phiếu).
Như vậy, không có ứng cử viên nào đạt được đa số quá bán (30/58 phiếu) và Hội đồng chấp hành sẽ tiếp tục bỏ phiếu vòng 2 vào cuối buổi họp chiều 10/10.
Theo ý kiến của nhiều chuyên gia, kết quả vòng 1 chưa phản ánh sát tình hình thực tế mà chỉ là vòng thăm dò giữa các nước. Trên thực tế, việc lựa chọn Tổng Giám đốc UNESCO, một tổ chức có vai trò quan trọng của Liên hợp Quốc, thực sự là một cuộc cạnh tranh khốc liệt giữa các nước đề cử ứng cử viên, thậm chí giữa các khu vực. Cuộc cạnh tranh với kết quả rượt đuổi đến phút chót đã từng diễn ra trong cuộc bầu cử Tổng Giám đốc UNESCO trước đó.
Về phía Việt Nam, ứng cử viên là Đại sứ Phạm Sanh Châu là người am hiểu và nhiều kinh nghiệm hoạt động ở UNESCO, từng đảm nhiệm chức vụ Đại sứ, Trưởng phái đoàn thường trực Việt Nam bên cạnh UNESCO và hiện là đặc phái viên của Thủ tướng về các công việc của UNESCO.
Trước những ứng cử viên “nặng ký” khác, Việt Nam gặp một số khó khăn, nhất là khi đây là lần đầu tiên Việt Nam ứng cử vào một vị trí người đứng đầu một tổ chức cấp cao trong hệ thống Liên Hợp Quốc và phải cạnh tranh trực tiếp.
Tuy nhiên, đây là hoạt động bình thường trong quan hệ quốc tế, nhất là khi riêng khu vực châu Á-Thái Bình Dương có 2 ứng cử viên, và đây cũng là khu vực từng có người giữ chức Tổng Giám đốc UNESCO. Trong khi đó có đến 4 ứng cử viên đến từ khu vực Arab, là khu vực chưa từng có ứng cử viên trúng cử Tổng Giám đốc UNESCO.
Do có nhiều ứng cử viên cùng ra tranh cử nên quá trình vận động cũng như đánh đổi, đan xen lợi ích giữa các quốc gia diễn ra khá phức tạp và thách thức.
Cho dù ứng cử viên Việt Nam không đạt được số phiếu cao trong vòng bầu cử đầu tiên, chỉ được 2 phiếu, bằng số phiếu của Azerbaijan, trong khi Trung Quốc được 5 phiếu và Lebanon 6 phiếu, song thông qua quá trình vận động bầu cử, Việt Nam cũng đã “gặt hái” được nhiều kết quả khả quan.
Điều đó thể hiện ở việc vị thế và vai trò của Việt Nam được tăng cường trên trường quốc tế, khi các nước đều đánh giá cao việc chủ động tích cực đóng góp của Việt Nam vào công việc chung của tổ chức UNESCO.
Quan hệ và hợp tác song phương được thúc đẩy giữa Việt Nam và các quốc gia khác trên thế giới, nhất là các nước lớn, các nước có quan hệ đối tác hợp tác chiến lược, đối tác toàn diện, bạn bè truyền thống của Việt Nam. Việt Nam đã thể hiện sự nghiêm túc, tinh thần trách nhiệm và chủ động tham gia các công việc chung trên trường quốc tế./.