Đây là kết quả khảo sát đầu tiên của các chuyên gia quốc tế về những nguy cơ cũng như cơ hội cho phụ nữ sống tại các siêu đô thị (tức các thành phố có trên 10 triệu dân).
Kết quả vừa nêu dựa trên sự khảo sát tại 19 siêu đô thị về mức độ phụ nữ được bảo vệ trước bạo lực tình dục, các hủ tục lạc hậu và sự tiếp cận với y tế, tài chính, giáo dục. Theo đó, mức độ nguy hiểm nhất đối với phụ nữ thuộc về Cairo, tiếp theo đó là Karachi (Pakistan), Kinshasa (Cộng hòa Dân chủ Congo) và thủ đô New Delhi (Ấn Độ), London (Anh) đứng đầu về mức độ thân thiện đối với phụ nữ, tiếp theo đó là Tokyo (Nhật bản), Paris (Pháp).
Những nhà hoạt động vì quyền của phụ nữ ở Cairo cho biết, những hủ tục có từ nhiều thế kỉ nay (trong đó có nhiều sự phân biệt đối xử) đã biến Cairo thành thành phố khó khăn đối với phụ nữ. Phụ nữ Ai Cập gặp nhiều khó khăn trong các phương diện của cuộc sống, từ những việc nhỏ như đ bộ trên phố, nguy cơ bị quấy rối…
New Delhi (Ấn Độ) và Sao Paulo (Brazil) cũng là những thành phố khó khăn đối với phụ nữ do nguy cơ về bạo lực tình dục. Vụ hãm hiếp tập thể một phụ nữ trên xe bus ở New Delhi năm 2012, khiến nạn nhân thiệt mạng đã dẫn tới làn sóng phản đối của dư luận và buộc nhà chức trách nâng khung hình phạt cho các tội ác tình dục.
Kể từ đó, báo chí, các chiến dịch của chính phủ, cùng các tổ chức xã hội đã tăng cường nâng cao nhận thức của công chúng về quyền của phụ nữ cũng như khuyến khích nạn nhân trình báo vụ việc. Tại Sao Paulo, phụ nữ ngày càng sử dụng mạng xã hội để lên án bạo lực tình dục.
Tokyo (Nhật bản) là thành phố an toàn nhất xét về mặt bạo lực, quấy rối tình dục, mặc dù một số nhà hoạt động nữ quyền cho rằng, bạo lực tình dục vẫn là vấn đề bị che giấu. London đứng đầu là thành phố tốt nhất đối với phụ nữ nhờ dịch vụ y tế quốc gia miễn phí cũng như đứng đầu các cơ hội kinh tế./.