Ngày 10/10, Đặc phái viên Liên hợp quốc (LHQ) tại Yemen Ismail Ould Cheikh Ahmed (Ít-xmal Âu Chếch A-mét) đã cáo buộc lãnh đạo các bên đối địch tại quốc gia châu Phi này không chịu chấm dứt các cuộc giao tranh và giải phóng người dân khỏi nạn đói nghèo và xung đột.
Trong bối cảnh nội chiến tại Yemen đã bước sang năm thứ 4 và các cuộc giao tranh trên diện rộng vẫn tiếp diễn, ông Ahmed cảnh báo tình hình sẽ tiếp tục xấu đi, nguy cơ khủng bố hiện hữu nếu các đảng phái, lực lượng chính trị ở nước này không lắng nghe nguyện vọng người dân và có thái độ mềm mỏng hơn. Phát biểu trong cuộc họp tại Hội đồng Bảo an (HĐBA) LHQ, ông cho rằng không có bất kỳ bên nào giành chiến thắng trong cuộc nội chiến này. Người dân Yemen sẽ ngày càng nghèo hơn trong khi thủ lĩnh các đảng đối lập sẽ ngày càng giàu khi những người này nhận thấy không có lợi ích trong việc tìm kiếm các giải pháp giải quyết tình hình. Ngược lại, nếu tình hình có thể ổn định, giới lãnh đạo các đảng phái này sẽ mất quyền lợi và quyền lực của mình. Quan chức LHQ nhấn mạnh, cuộc nội chiến ảnh hưởng trực tiếp tới các thế hệ tiếp theo của Yemen, gây hậu quả nặng nề cho quốc gia này khi các cơ sở hạ tầng bị phá hoại, tình trạng suy dinh dưỡng, trình độ giáo dục thấp và cấu trúc nền kinh tế bị phá vỡ.
Đặc phái viên Ahmed cho biết ông đang tìm kiếm một giải pháp toàn diện cho tình hình hiện nay tại Yemen và từng bước đưa các bên liên quan tới bàn đàm phán. Ông đồng thời kêu gọi HĐBA sử dụng tất cả các biện pháp về chính trị và kinh tế để gây sức ép đối với các đảng phái tại Yemen cùng tham gia một hiệp ước hòa bình.
Tại cuộc họp, HĐBA LHQ đã bày tỏ lo ngại sâu sắc về tiến trình chính trị cũng như tình hình nhân đạo ngày càng xấu tại Yemen. Các nước ủy viên đã kêu gọi các bên cần phải dừng bắn ngay lập tức và phối hợp chặt chẽ với đặc phái viên LHQ để đưa ra giải pháp toàn diện hướng tới hòa bình cho Yemen. HĐBA cũng kêu gọi thiết lập các hành lang an toàn, thông suốt, ổn định để triển khai các hoạt động hỗ trợ nhân đạo cho người dân Yemen.
Yemen nằm ở cực Nam bán đảo Arab, rơi vào hỗn loạn kể từ khi Houthi và các lực lượng trung thành với cựu Tổng thống Ali Abdallah Saleh (A-li Áp-đa-la Xa-lê) kiểm soát phần lớn lãnh thổ, trong đó có thủ đô Sanaa. Tháng 3/2015, liên quân Arab do Saudi Arabia đứng đầu tiến hành can thiệp quân sự nhằm hỗ trợ chính phủ được quốc tế công nhận của Tổng thống Mansour Hadi (Man-xua Ha-đi). Các vòng đàm phán hòa bình do LHQ bảo trợ giữa các bên đối địch tại Yemen đều không thể giúp chấm dứt xung đột tại nước này. Chiến tranh và xung đột kéo dài hơn 2 năm qua tại Yemen đã khiến khoảng 12.000 người thiệt mạng, gần 40.000 người bị thương và 2/3 dân số nước này cần cứu trợ nhân đạo. Theo Trưởng bộ phận phụ trách các hoạt động nhân đạo của LHQ John Ging (Giôn Ging), khoảng 15 triệu người Yemen đang phải đối mặt với tình trạng thiếu nước sạch và dịch vụ y tế, 7 triệu người có nguy cơ bị đói và 460.000 trẻ em bị suy dinh dưỡng trầm trọng. Cùng với đó, dịch tả đã làm hơn 2.100 người chết cùng hơn 800.000 người nghi nhiễm./.