Ngày 18/10, Đặc phái viên của Liên hợp quốc về tình hình Syria Staffan de Mistura đã gặp Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu tại thủ đô Moscow trước thềm diễn ra vòng đàm phán mới nhằm tìm kiếm giải pháp chấm dứt cuộc xung đột kéo dài 6 năm qua tại Syria.
Tuyên bố của Bộ Quốc phòng Nga dẫn lời ông Mistura cho biết, trong cuộc gặp gỡ cùng ngày với ông Shoigu, đại diện Nga và Liên hợp quốc đã thảo luận về cách thức nhằm tiến tới một thỏa thuận chính trị ổn định hơn, xuất phát từ nền tảng thiết lập các khu vực giảm căng thẳng tại Syria.
Nga – một nước đồng minh chủ chốt của chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad, vốn từ lâu vẫn được biết đến là đóng một vai trò quan trọng trong các nỗ lực ngoại giao nhằm thiết lập và giám sát 4 vùng giảm căng thẳng được thiết lập lãnh thổ Syria. Cách đây ít lâu, trong các vòng đối thoại tại Astana (Kazakhstan), Nga đã đạt được thỏa thuận với Iran và Thổ Nhĩ Kỳ về việc thiết lập các vùng giảm căng thẳng tại phía Bắc tỉnh Idlib, thành phố Homs, vùng ngoại ô Đông Ghouta của thủ đô Damascus và miền Nam Syria. Điều đáng nói là ngay sau khi được thành lập, bạo lực đã có dấu hiệu thuyên giảm đáng kể tại các vùng giảm căng thẳng. Tuy nhiên, xung đột vẫn tiếp diễn rải rác tại một số khu vực, trong đó gồm cả các cuộc không kích của liên quân quốc tế do Mỹ dẫn đầu cũng như các cuộc tấn công trên bộ nhằm vào các nhóm thánh chiến Hồi giáo tại miền Đông Bắc Syria.
Trước tình hình trên, vào tháng trước, ông Mistura đã bày tỏ hy vọng rằng một vòng đàm phán mới về tình hình Syria sẽ được triệu tập tại Geneva (Thụy Sĩ) trong những tuần tới. Trước đó, Liên hợp quốc đã đóng vai trò trung gian trong việc tổ chức một số vòng đàm phán nhằm tìm kiếm giải pháp cho cuộc khủng hoảng Syria song vẫn chưa thu được kết quả đột phá do các bên liên quan vẫn chưa tháo gỡ được nút thắt liên quan tới số phận tương lai của Tổng thống Bashar al-Assad.
Theo số liệu thống kê do tờ Aljazeera công bố hồi đầu tháng 10/2017, cuộc xung đột tại Syria đã bước sang năm thứ 7 liên tiếp, cướp đi sinh mạng của hơn 465.000 người, khiến hơn 1 triệu người khác bị thương và buộc hơn 12 triệu người dân Syria (khoảng 1 nửa dân số trước khi xung đột bùng phát) phải rời bỏ nhà cửa.
Cuộc chiến tại Syria cũng đã để lại những hệ lụy vượt xa phạm vi biên giới quốc gia Trung Đông này. Hiện một số nước gồm: Li-băng, Thổ Nhĩ Kỳ và Jordan đang trở thành nơi tiếp nhận số lượng người tị nạn Syria ngày một gia tăng, với nhiều người trong số này đang trong hành trình chạy sang châu Âu để tìm kiếm một cuộc sống tốt đẹp hơn.
Mới đây, Liên hợp quốc đã công bố báo cáo cho thấy, có khoảng 440.000 người tị nạn Syria đã quay trở về quê hương trong năm ngoái. Những người này chủ yếu quay về gia đình tại Aleppo, Hama, Homs và Damascus để tìm kiếm người thân và mong vớt vát lại chút tài sản còn sót lại.
Trong khi đó, Tổ chức theo dõi nhân quyền (HRW) cho biết, hiện chính phủ các nước và các cơ quan cứu trợ đang không có đủ khả năng gánh vác hàng triệu USD để mang lại cơ hội đến trường cho các trẻ em Syria đi lánh nạn. Theo số liệu thống kê, tình trạng thiếu hụt về ngân sách này đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến 50.000 trẻ em Syria./.