Các lãnh đạo hàng đầu châu Âu sẽ thảo luận về các Hiệp định tự do thương mại đang được đàm phán giữa Liên minh châu Âu với các đối tác trên toàn thế giới, tại cuộc họp Thượng đỉnh 19-20/10. Mặc dù, theo kế hoạch ban đầu, chủ đề này không được đưa vào chương trình nghị sự.
Sự thay đổi này được cho là đến từ đòi hỏi từ nhiều quốc gia thành viên lớn trong Liên minh châu Âu, nhất là từ Pháp. Thủ tướng Pháp, Edouard Philippe vừa thực hiện chuyến thăm 2 ngày đến Uỷ ban châu Âu và đã đưa ra yêu cầu trên trong cuộc gặp Chủ tịch Uỷ ban châu Âu, Jean Claude Juncker.
Theo quan điểm từ phía Pháp, hiện Liên minh châu Âu đang phải xử lý cùng một lúc quá nhiều hồ sơ liên quan đến các Hiệp định tự do thương mại nên cần phải thảo luận lại một số vấn đề chủ chốt. Nổi bật là các tranh cãi về thẩm quyền đàm phán và phê chuẩn giữa Uỷ ban châu Âu và các nước thành viên, cũng như việc xếp loại các Hiệp định cần ưu tiên đẩy nhanh quy trình chấp thuận và phê chuẩn.
Hiện Liên minh châu Âu đang cùng lúc phải xử lý nhiều Hiệp định tự do thương mại đáng chú ý, hoặc về quy mô, hoặc về mức độ gây tranh cãi, như Hiệp định tự do thương mại EU-Nhật Bản (JETA) hay Hiệp định tự do thương mại EU-Canada (CETA).
Ngoài ra, khối này cũng đang chuẩn bị xúc tiến đàm phán với khối thị trường chung Nam Mỹ (Mercosur), với Australia và New Zealand, cũng như đang tiến đến giai đoạn cuối của tiến trình đàm phán với Việt Nam.
Tuy nhiên, sau sự đóng băng của Hiệp định thế kỷ giữa Liên minh châu Âu và Mỹ, đã có nhiều mâu thuẫn về quan điểm giữa các nước thành viên Liên minh châu Âu và Uỷ ban châu Âu. Trong khi các nước thành viên muốn đóng vai trò lớn hơn, trong cả việc đàm phán lẫn phê chuẩn thì Uỷ ban châu Âu lại cho rằng, cần phải giảm bớt các thủ tục để đẩy nhanh việc ký kết Hiệp định.
Chủ tịch Uỷ ban châu Âu, Jean-Claude Juncker là người nêu ra và bảo vệ quan điểm rằng phần lớn các Hiệp định tự do thương mại sắp tới của Liên minh châu Âu không cần phải đợi chờ sự phê chuẩn của Nghị viện các nước, thậm chí là các vùng, như hiện nay.
Ông Juncker nhận định việc này lãng phí quá nhiều thời gian và gây ra quá nhiều rủi ro trì trệ hoặc thất bại nếu Nghị viện một nước, thậm chí một vùng, phủ quyết Hiệp định này, như điều từng xảy ra với Hiệp định EU-Canada (CETA) do sự phản đối của vùng Wallonie của Bỉ.
Lý lẽ tiếp theo mà ông Juncker đưa ra để bảo vệ quy trình đàm phán nhanh này là về mặt chính trị, Liên minh châu Âu cần tận dụng cơ hội nước Mỹ đang thực thi chính sách rút lui trong thương mại quốc tế như hiện nay để mở rộng thị trường và mỗi một tỷ euro xuất khẩu thêm đồng nghĩa với việc có 14.000 việc làm được tạo ra cho các nước thành viên./.