Tước quyền tự trị Catalonia: Bước đi bất định

08:00, 20/10/2017

Ngày 19/10 chứng kiến những diễn biến dồn dập và phức tạp của cuộc khủng hoảng Catalonia. Ngay trước thời điểm kết thúc tối hậu thư vào 10 giờ sáng 19/10, người đứng đầu chính quyền vùng Catalonia, Carles Puigdemont đã gửi một bức thư cho Thủ tướng Tây Ban Nha, Mariano Rajoy.  

Đó là một bức thư “có như không” bởi trong đó, ông Puigdemont tiếp tục từ chối trả lời rõ ràng là liệu đã đơn phương tuyên bố vùng Catalonia độc lập hay chưa. Điều đọng lại, chỉ là ông Puigdemont khẳng định tuyên bố mà ông này đưa ra hôm 10/10 không phải là tuyên bố độc lập.

Nhưng kết thúc lá thư lại vẫn là một lời cảnh báo, rằng nếu chính quyền Tây Ban Nha tiếp tục trấn áp và từ chối đối thoại thì Catalonia sẽ độc lập. Nói cách khác, câu trả lời ngày 19/10 hoàn toàn không khác câu trả lời 16/10, vẫn nước đôi và hoàn toàn mập mờ.

Chính điều này đã khiến chính phủ Tây Ban Nha ngay sau đó tuyên bố khởi động tiến trình áp dụng điều 155 Hiến pháp Tây Ban Nha, bắt đầu sẽ là một phiên họp bất thường của chính phủ Tây Ban Nha trong ngày 20/10 mà mục đích, theo báo giới Tây Ban Nha, là để đưa ra một danh sách các biện pháp có thể áp dụng nhằm trừng phạt vùng Catalonia.

Danh sách này sau đó sẽ được gửi lên Thượng viện Tây Ban Nha để xem xét và bỏ phiếu. Phía Thượng viện Tây Ban Nha cũng thông báo họ sẽ họp gấp trong ngày 20/10 hoặc trong ngày thứ Hai (22/10).

Tất cả những diễn biến này là một sự leo thang căng thẳng rất nguy hiểm bởi nếu thực sự chính phủ Tây Ban Nha áp dụng điều 155 Hiến pháp thì đây sẽ là trở thành sự kiện chính trị nghiêm trọng nhất tại Tây Ban Nha trong 4 thập kỷ qua, và sẽ gây ra hậu quả khôn lường cho đất nước này.

Không có thắng - thua

Những gì chúng ta đang chứng kiến là một cuộc chiến cân não giữa chính quyền đòi ly khai ở Catalonia và chính quyền trung ương Tây Ban Nha, bằng cách liên tiếp gia tăng căng thẳng lên các mức độ cao hơn, đến một khi một bên không chịu nổi áp lực và phải rút lui.

Từ đầu cuộc chiến cân não này thì phe ly khai ở Catalonia đã luôn ở thế yếu hơn, do thiếu đi tính chính danh cần thiết, cũng như không có sự ủng hộ quốc tế, đặc biệt từ Liên minh châu Âu. Tuy nhiên, như thế không có nghĩa là chính phủ Tây Ban Nha hoàn toàn có thể áp dụng mọi biện pháp cứng rắn với Catalonia.

Nhiều nhà phân tích đánh giá, phe ly khai ở Catalonia chính là những người đang muốn chứng kiến nhất việc chính phủ Tây Ban Nha áp dụng điều 155 Hiến pháp, tước bỏ quyền tự trị của vùng này, bởi khi đó thì chắc chắn đa số dân chúng vùng Catalonia, mà hiện nay đa số vẫn đang lưỡng lự, sẽ phản đối dữ dội và phe này có thể chuyển sang phản kháng bằng chiến thuật biểu tình đường phố quy mô lớn. Vì thế, rất nhiều đảng phái ở Tây Ban Nha đang kêu gọi chính phủ nước này không áp dụng điều 155 hoặc áp dụng một cách hết sức hạn chế, trong thời gian rất ngắn. Lo ngại này là có cơ sở bởi nếu cả triệu người dân Catalonia xuống đường thì đó sẽ là một sức mạnh chính trị không thể xem nhẹ.

Chính vì vậy, đối với lợi ích lâu dài của người dân Tây Ban Nha nói chung và người dân Catalonia nói riêng, vấn đề quan trọng không phải là kéo dài cuộc đối đầu này đến một kết cục thắng-thua rõ ràng mà phải là nhanh chóng tìm ra giải pháp.

Một phương án mới vừa được nhắc đến có thể là giải pháp tháo gỡ bế tắc hiện nay và cho phép một trong hai bên xuống thang, đó là tổ chức bầu cử vùng Catalonia trước thời hạn.

Một số thành viên chính phủ Tây Ban Nha đã hé lộ quan điểm từ phía chính phủ Tây Ban Nha rằng, nếu cuộc bầu cử này tuân thủ các điều kiện luật pháp thì có thể sau đó sẽ có đối thoại. Tuy nhiên, các lãnh đạo ly khai ở Catalonia tuyên bố chưa tính đến phương án này.

 

Cái lợi của phương án này là, nếu như tổ chức một cuộc bầu cử trước thời hạn ở vùng Catalonia, chắc chắn chủ đề về độc lập của vùng này sẽ là chủ đạo tranh cử của các đảng phái và khi đó người dân Catalonia, bằng lá phiếu hợp pháp của mình, có thể trao tính chính danh cho một đảng phái hoặc một dàn lãnh đạo.

Dàn lãnh đạo này có thể là mới nhưng cũng có thể vẫn là các gương mặt cũ, để đối thoại với chính phủ Tây Ban Nha, thay vì các yêu sách đối thoại dựa trên kết quả một cuộc trưng cầu ý dân được xem là vi hiến và bất hợp pháp như hôm 1/10.

Tự sát tập thể

Báo chí Tây Ban Nha và châu Âu bắt đầu sử dụng đến từ “tự sát tập thể” khi nói về cuộc khủng hoảng Catalonia, bởi lẽ căng thẳng kéo dài và leo thang như hiện nay đang huỷ hoại môi trường kinh tế của vùng Catalonia cũng như đầu độc không khí chính trị tại Tây Ban Nha.

Từ đầu tháng 10 đến nay, đã có khoảng 700 doanh nghiệp rời bỏ hoặc tuyên bố sẽ rời trụ sở khỏi vùng Catalonia do lo ngại, nếu tuyên bố độc lập thì vùng này ngay lập tức sẽ bị loại khỏi khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone).

Tác động xấu về kinh tế do khủng hoảng hiện nay lên vùng Catalonia là rất rõ ràng, cụ thể như lĩnh vực du lịch tăng trưởng kém 15% so với cùng kỳ năm ngoái cùng một loạt các dự báo kinh tế rất xấu cho vùng Catalonia nếu ly khai.

Trước mắt ngân sách của vùng này đã bị phong toả và theo dự báo, đến hết tháng 10/2017, chính quyền vùng Catalonia sẽ không còn năng lực hoạt động về mặt tài chính.

Với Tây Ban Nha, dĩ nhiên tác động xấu cũng rất nặng nề bởi Catalonia là vùng giàu có và năng động kinh tế hàng đầu nước này, đóng góp đến 20% GDP và là vùng thu hút nhiều đầu tư nước ngoài nhất.

Việc Catalonia suy yếu, thậm chí trong kịch bản tệ nhất là tách khỏi Tây Ban Nha, sẽ là một cú sốc chính trị-kinh tế nghiêm trọng với Tây Ban Nha, đánh gục sự phục hồi mong manh của kinh tế nước này sau những năm khủng hoảng vừa qua.

Và tất nhiên ở cấp độ châu Âu cũng sẽ bị ảnh hưởng, trong đó đáng lo ngại nhất là hiệu ứng dây chuyền về sự nổi lên của các phong trào và đảng phái theo đuổi chủ nghĩa dân tộc và ly khai trong nội bộ nhiều quốc gia thành viên./.