Theo thống kê vừa được Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) công bố, 57% số trường học ở Borno – khu vực bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi các cuộc tấn công của tổ chức khủng bố Boko Haram – vẫn phải đóng cửa vào đầu năm học.
Từ năm 2009, hơn 2.195 giáo viên ở Đông Bắc Nigeria đã bị giết hại và 19.000 người đã buộc phải di dời. Gần 1.400 trường học đã bị phá hủy. Phần lớn trong số các trường học này không thể hoạt động được do bị phá hủy đáng kể hoặc nằm ở vị trí nguy hiểm. Đối mặt với cuộc khủng hoảng này, UNICEF ước tính rằng 3 triệu trẻ em cần được hỗ trợ giáo dục khẩn cấp tại khu vực Đông bắc đất nước Nigeria.
Sau chuyến thị sát 3 ngày tới Maiduguri, trung tâm của cuộc khủng hoảng do nhóm khủng bố Boko Haram gây ra, Phó giám đốc điều hành của UNICEF Justin Forsyth cho biết: Trẻ em ở Đông Bắc Nigeria đang phải chịu đựng rất nhiều nỗi kinh hoàng. Bên cạnh tình trạng suy dinh dưỡng nghiêm trọng, bạo lực và dịch tả thì các vụ tấn công vào trường học có thể sẽ tạo ra một thế hệ trẻ em lạc hậu, đe dọa tới tương lai của các em và tương lai của đất nước Nigeria. Tại Borno, một số trẻ em lần đầu tiên được hưởng một nền giáo dục thực sự trong cuộc đời. Tại trại tị nạn Muna Garage, ở ngoại ô Maiduguri, khoảng 90% số học sinh lần đầu tiên được ghi danh vào trường học.
Tại 3 khu vực bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi bạo lực và xung đột ở Đông Bắc Nigeria, UNICEF và các đối tác đã hỗ trợ cho gần 750.000 trẻ em được đến trường trong năm nay, thiết lập hơn 350 cơ sở giáo dục tạm thời và phân phối gần 94.000 bộ dụng cụ học tập để giúp trẻ em được tiếp cận với giáo dục. Bên cạnh đó, cùng với các đối tác, UNICEF cũng đang làm việc để phục hồi các trường học và lớp học, đồng thời giúp giáo viên xây dựng một hệ thống giáo dục bền vững cho tương lai.
Theo tổ chức của Liên hợp quốc, đến nay, gần một triệu trẻ em đã buộc phải di dời do cuộc khủng hoảng và 450.000 trẻ em dưới 5 tuổi đang bị suy dinh dưỡng cấp tính nghiêm trọng trong năm nay./.