Các nhà lý luận kinh điển về đấu tranh giai cấp là Karl Marx và Friedrich Engels tin rằng một cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa chỉ có thể nổ ra thành công ở các nước tư bản tiên tiến nơi có một giai cấp vô sản đông đảo bị giai cấp tư sản áp bức.
Các triết gia Đức không đánh giá cao Đế chế Nga như một “ứng viên” cho cách mạng XHCN bởi vì nước Nga lúc đó cơ bản là nông nghiệp chứ không phải công nghiệp. Theo con số điều tra năm 1897, nông dân chiếm tới 77% dân số Nga.
Nhưng thực tế không hoàn toàn như dự đoán ban đầu. Một đảng cộng sản cuối cùng đã giành và giữ được chính quyền ngay ở cả một nước tư bản lạc hậu, mở ra cả kỷ nguyên mới cho lịch sử loài người.
Điều khó tưởng ban đầu
Hồi tháng 6/1917, trong một cuộc họp của các Xô viết, Vladimir Lenin từng tuyên bố như thế này: “Mỗi một phút chúng tôi đều sẵn sàng nắm lấy toàn bộ chính quyền”. Khi đó trong phòng họp rộ lên những tiếng cười. Không ai tin rằng lại có chuyện phe Bolshevik giành được chính quyền. Nhưng vài tháng sau đó, không ai có thể cười phe Bolshevik được nữa. Đảng Bolshevik đã nắm được toàn bộ chính quyền. Tất nhiên sau đó họ còn phải trải qua một cuộc trường chinh mang tên Nội chiến Nga. Nhưng họ cũng giành chiến thắng trong cuộc nội chiến này. Đến cuối năm 1922, đảng Bolshevik tuyên bố thành lập Liên bang Xô viết gồm một số nước trong Đế chế Nga xưa. Và những người cộng sản Nga duy trì được chính quyền của mình trong suốt gần 7 thập kỷ sau đó.
Năm 1917, cuộc Cách mạng tháng Hai lật đổ chế độ quân chủ Nga. Trong giai đoạn từ tháng Hai đến tháng Mười (lịch Nga) năm 1917, có một số đảng tranh đấu lẫn nhau để nắm quyền lực. Cuối cùng những người XHCN cấp tiến nhất, tức đảng Bolshevik của Lenin, đã trở thành người chiến thắng.
Vào đầu năm 1917, đảng Bolshevik theo tư tưởng mác xít chưa phải là đảng nổi bật và có ảnh hưởng ở nước Nga. Đảng Bolshevik khi đó còn lâu mới là đảng lớn nhất ở Nga.
Vào thời điểm xảy ra Cách mạng tháng Hai, họ còn khá bất ngờ, và lãnh tụ của họ là Vladimir Lenin thì đang phải lưu vong ở Thụy Sĩ cùng với nhiều đảng viên cộng sản khác.
Nhạy bén với thời cơ
Nhưng khi thời cơ đến, các đảng viên Bolshevik lưu vong đã lập tức nỗ lực trở về Tổ quốc thật sớm và bắt tay vào hành động ngay.
Nước Nga khi ấy đã kiệt sức vì Thế chiến 1. Đảng Bolshevik hứa hẹn sẽ giúp người dân thoát khỏi các đau khổ đó. Họ đưa ra một công thức đơn giản để có được hạnh phúc, đó là Hòa bình cho tất cả người dân, Ruộng đất cho nông dân, Nhà máy cho công nhân.
Nông dân Nga đọc sắc lệnh của Lenin về ruộng đất và hòa bình.
Sử gia Alexander Orlov viết: “Phe Bolshevik là lực lượng chính trị duy nhất cảm nhận rõ và biết khai thác sự bất mãn trong quần chúng lao động”.
Alexander Pyzhikov, một học giả khác, viết: “Vào cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20, thực sự có 2 nước Nga. Nước Nga thứ nhất là của tầng lớp quý tộc, trí thức và giai cấp tư sản – nước Nga này không khác các nước Tây Âu. Đại diện của nhóm này có khuynh hướng đi theo chủ nghĩa tư bản và hệ thống pháp lý phương Tây. Nước Nga thứ hai, bao gồm đại bộ phận nông dân và một bộ phận đáng kể công nhân, thì phải sống với một thân phận khác. Trong nước Nga thứ hai này, hầu như không có tài sản tư hữu. Chính đây là lực lượng hồ hởi đi theo những người Bolshevik khi được hứa hẹn sẽ có những thứ cần thiết.
Năng lực tổ chức, sự quyết đoán và bản chất cách mạng
Giới sử gia cho rằng Lenin và các đồng chí của mình duy trì được sức mạnh và đoạt được chính quyền là nhờ vào năng lực tổ chức tốt và việc họ sẵn lòng hứa và đáp ứng các mong mỏi của người dân về hòa bình và đất đai ngay lập tức mà không phải đợi chờ tới khi giành chiến thắng trong Thế chiến 1 (đang diễn ra lúc đó). Điều này giúp họ giành được sự yêu mến của quảng đại quần chúng. Ngay khi nắm được chính quyền, những người Bolshevik đã tuyên bố thực thi ngay các lời hứa trước đó của họ với nhân dân. Đảng Bolshevik tuyên bố rằng giai cấp vô sản và nông dân cần sát cánh chiến đấu chống lại giai cấp tư sản và chủ nghĩa đế quốc.
Phe Bolshevik tin tưởng vào sự nghiệp của mình và tỏ ra cực kỳ ấn tượng nếu đem so sánh với các chính trị gia thiếu quyết đoán của các phe phái chính trị khác, những người khi đó vẫn cứ mải miết loanh quanh vấn đề quốc hội lập hiến.
Theo Tiến sĩ Igor Grebenkinm, vấn đề chấm dứt chiến tranh tương đương với quyền lực. Theo ông, ai giải quyết được vấn đề này và có chương trình hành động cụ thể, người đó sẽ giành được nước Nga. Sự khác biệt giữa Bolshevik và Chính phủ Lâm thời nằm ở đây. Chính phủ Lâm thời của giai cấp tư sản tỏ ra e sợ, không dám đụng chạm tới các vấn đề toàn cầu này. Và điều đó góp phần quan trọng giúp đảng Bolshevik giành chiến thắng.
Vladimir Lenin, người đứng đầu đảng Bolshevik cũng là một nhân tố quan trọng cho thắng lợi chung của đảng này. Ông là một nhà cách mạng cần mẫn và can trường. Lenin lấy được tình cảm của người dân thông qua các bài phát biểu. Ông nỗ lực hết mình để tổ chức đảng Bolshevik thành một đảng mạnh đủ sức giành chính quyền.
Đến mùa thu năm 1917 thì lãnh tụ Lenin đã trở nên nổi bật hơn đối thủ phe tư sản là ông Alexander Kerensky, Thủ tướng của Chính phủ Lâm thời – thể chế quản lý nước Nga trong thời kỳ từ tháng Ba đến tháng Mười (lịch Nga). Trong khi đó, mưu toan của phe tư sản về việc thiết lập chế độ độc tài quân sự để trấn áp những người cách mạng đã thất bại hoàn toàn./.