21/12/2017 có thể sẽ được lưu trong lịch sử là một trong những ngày quan trọng nhất trong lịch sử cận đại của vùng đất này. Đó là ngày diễn ra cuộc bầu cử vùng trước thời hạn tại Catalonia, 81 ngày sau sự kiện trưng cầu ý dân bất hợp pháp để ly khai 1/10 và hơn 1 tháng sau sự kiện Catalonia bị tước quyền tự trị.
Theo quy định về Luật bầu cử Tây Ban Nha, các đảng phái đã chấm dứt các hoạt động tranh cử vào chiều ngày 19/12, để các cử tri có một ngày “yên tĩnh” trước khi đi bỏ phiếu.
Nhưng, sự thiếu vắng các hoạt động tranh cử không làm bầu không khí tại Catalonia, cụ thể là tại thủ phủ Barcelona, ít sục sôi. Sự căng thẳng có thể cảm nhận được một cách rõ rệt, từ đường phố lên đến mặt báo.
So với thời điểm cuối tháng 10, khi Catalonia bị đặt dưới sự kiểm soát trực tiếp của chính quyền trung ương Tây Ban Nha, không khí chính trị ở vùng đất này không êm dịu hơn, thậm chí tệ đi.
Điều này thể hiện rõ trong giai đoạn tranh cử, khi các đảng phái ủng hộ và phản đối Catalonia độc lập có các tranh luận gay gắt, công kích, mạt sát nhau ngoài tầm kiểm soát.
Báo chí hai bên, phe trung ương và phe địa phương, cũng nhập cuộc, đẩy căng thẳng lên cao. Trong khi các tờ địa phương, như El Periodico hay kênh TV3 phủ kín bằng các thông tin nghiêng về phe Catalonia độc lập thì hôm Chủ Nhật, 17/12, tờ “Thế giới” (El Mundo) kêu gọi chính phủ Tây Ban Nha tái bắt giam bà Carme Forcadell, cựu Chủ tịch Nghị viện vùng Catalonia vì cho rằng bà này vẫn tiếp tục kêu gọi ly khai.
Màu sắc cuối cùng, là sự kỳ quặc. Chưa khi nào một cuộc bầu cử lại chứng kiến các phương thức vận động bất thường như tại Catalonia. Các chiến dịch tranh cử của các đảng quan trọng nhất thì một được dẫn dắt bởi một thủ lĩnh đang ngồi tù, là ông Oriol Junqueras của đảng Cộng hoà cánh tả- ERC và một là đảng “Tất cả vì Catalonia” của cựu Chủ tịch chính quyền Catalonia, ông Carles Puigdemont đang lưu vong tại Bỉ.
Tất cả những yếu tố này khiến cho vùng Catalonia thực sự như đang sống trong một khoảng lặng trước cơn bão lớn.
Các kịch bản
Dựa trên các khảo sát cũng như các phân tích, hiện có 3 kịch bản chính cho cuộc bầu cử ngày hôm nay tại Catalonia.
Kịch bản thứ nhất, là phe ủng hộ Catalonia độc lập (dẫn đầu là ERC) chiến thắng, nhưng sẽ phải thay đổi quan điểm, tức vẫn duy trì xu hướng độc lập nhưng phải mềm hoá và xây dựng lộ trình đối thoại lâu dài với chính quyền trung ương Tây Ban Nha.
Các yếu tố có thể tạo ra kịch bản này là số lượng cử tri đi bầu dự kiến sẽ rất cao, từ 82 đến 85% và cuộc khủng hoảng vừa qua không khiến phe ly khai mất đi quá nhiều người ủng hộ.
Nhưng phe này, dù chiến thắng, cũng không thể tuyên bố Catalonia độc lập vì thứ nhất là sức ép từ chính quyền Tây Ban Nha, và thứ hai, là sự xa lánh rõ ràng từ phía Liên minh châu Âu. Tuy nhiên, nếu phe này chiến thắng thì rõ ràng đó sẽ là thất bại với chính phủ Tây Ban Nha của Thủ tướng Mariano Rajoy và dù kịch bản Catalonia độc lập là rất ít nhưng điều đó cũng sẽ buộc chính phủ Tây Ban Nha phải thay đổi cách tiếp cận.
Kịch bản thứ hai, đó là phe thống nhất (dẫn đầu là đảng Công dân – Ciudadanos), ủng hộ Catalonia vẫn thuộc về Tây Ban Nha, chiếm ưu thế nhờ điều mà giới phân tích gọi là “đa số im lặng”.
Các cuộc biểu tình hàng triệu người của phe ủng hộ một đất nước Tây Ban Nha thống nhất hồi tháng 10 cho thấy, số người không muốn Catalonia ly khai là không nhỏ, dù chưa chắc đã chiếm đa số. Vì thế, nếu lực lượng này được huy động đông đảo thì phe thống nhất có thể chiếm gần quá bán số ghế tại Nghị viện Catalonia, tuy không đủ vượt qua phe ly khai nhưng đủ tạo ra đối trọng đủ lớn trước khi tìm kiếm liên minh.
Kịch bản cuối cùng, là phe ly khai chiến thắng nhưng bị chia rẽ, giữa đảng “Tất cả vì Catalonia” của ông Carles Puigdemont và đảng Cộng hoà cánh tả- ERC của ông Oriol Junqueras.
Trong trường hợp này, phe ly khai chiến thắng cũng không tập hợp đủ lực lượng để đưa ra các yêu sách nào quá lớn. Sự chia rẽ này trên thực tế đã diễn ra bởi trong cuộc bầu cử ngày hôm nay, đảng ERC đã từ chối đứng cùng liên minh tranh cử với đảng “Tất cả vì Catalonia”.
Khi đó mục tiêu thực tế nhất mà cánh ly khai đặt ra sau bầu cử là lấy lại quyền tự trị của Catalonia, chứ không phải là độc lập.
Tuy nhiên, tất cả những kịch bản này đều rất không chắc chắn bởi các phân tích về thành phần và tâm lý cử tri Catalonia cho thấy, cuộc bầu cử này sẽ là cuộc ganh đua vô cùng sát sao, với các cách biệt rất nhỏ và nguy cơ “nghị viện treo”, tức không bên nào đủ đa số để tự thân lãnh đạo, là tương đối lớn.
Trở lại bình thường
Cuộc bầu cử hôm nay tại Catalonia, ở khía cạnh nào đó, thực sự là một cuộc trưng cầu ý dân một cách hợp pháp của người dân Catalonia về việc liệu họ có thực sự muốn độc lập khỏi Tây Ban Nha hay không.
Vì thế, dù kết quả thế nào thì về mặt chính danh, cuộc khủng hoảng ly khai của vùng Catalonia cũng sẽ đưa ra được một hướng giải quyết nhất định. Tuy nhiên, điều này hoàn toàn không có nghĩa là cuộc khủng hoảng này sẽ lập tức chấm dứt.
Thứ nhất, đó là dù phe ly khai có chiến thắng thì việc Catalonia độc lập cũng là bất khả thi. Chính phủ Tây Ban Nha đã và đang dùng mọi quyền lực của mình để ngăn chặn việc đó và cộng đồng quốc tế cũng không ủng hộ một phương án ly khai.
Nhưng, dù muốn hay không thì tất cả đều phải thừa nhận rằng, có một lực lượng đông đảo người dân Catalonia thực sự muốn vùng đất này độc lập và ý nguyện của họ cần thiết phải được lắng nghe.
Họ cần được đối thoại để thay đổi những bất cập hiện nay trong quan hệ giữa địa phương và trung ương. Điều quan trọng, vì thế, là các bước đi tiếp theo sau bầu cử. Vùng Catalonia cần phải nhanh chóng lấy lại quyền tự trị và sự ổn định chính trị của mình để phát triển, vì lợi ích của vùng nay và của cả Tây Ban Nha.
Đó sẽ là mục tiêu đầu tiên mà hai bên cần hướng tới để đưa mọi việc trở lại bình thường, trước khi hy vọng có các chính sách giải quyết dứt điểm những bất đồng vốn là nguồn gốc gây nên căng thẳng hiện nay giữa vùng Catalonia với chính quyền trung ương Tây Ban Nha./.