Ngày 12-1, FAO công bố số liệu cho thấy giá lương thực toàn cầu trong năm 2017 tăng 8,2% so với năm trước đó. Đây là mức trung bình cả năm cao nhất kể từ năm 2014. Báo cáo của FAO cho thấy tính trong cả năm 2017, giá tất cả các mặt hàng thực phẩm đều tăng, trừ đường.
Các sản phẩm làm từ sữa tăng mạnh nhất, với 31,5% so với năm trước đó. Giá dầu thực vật tăng 3%, ngũ cốc tăng 3,2% và thịt tăng 9%. Trong khi đó, giá đường trong năm ngoái lại giảm 11,2% so với mức trung bình năm trước đó do nguồn cung dư thừa từ Brazil - quốc gia sản xuất đường hàng đầu thế giới.
Theo ông Abdolreza Abbassian, chuyên gia kinh tế cấp cao của FAO, năm 2018, giá lương thực thế giới sẽ tiếp tục tăng do nhu cầu tăng mạnh, dù tình hình chính trị ở các nước sản xuất dầu mỏ và các khó khăn trong đàm phán thương mại quốc tế có thể là “điềm báo” cho nhiều bất ổn hơn trong tương lai.
Theo ông Abbassian, triển vọng kinh tế toàn cầu được cải thiện đã góp phần thúc đẩy nhu cầu ở hầu hết các quốc gia, nhưng vẫn còn quá sớm để dự báo tình hình thời tiết có thể tác động đến mùa vụ, có nghĩa là lượng cung có thể còn vượt cả dự đoán.
Bên cạnh đó, giá dầu cũng là yếu tố ảnh hưởng nhiều đến giá lương thực vì chỉ cần một vài diễn biến bất ngờ tại một trong số các quốc gia sản xuất dầu lớn cũng có thể khiến giá dầu tăng nhanh, từ đó tác động đến giá các loại hàng hóa khác. Nhu cầu đối với nhiên liệu sinh học trong bối cảnh giá dầu mỏ phục hồi cũng có thể sẽ làm gia tăng giá trị của các mặt hàng như dầu thực vật, đường và ngô.
Ông Abbassian cũng nhận định rằng trong năm nay, thị trường sẽ phải đối mặt với những hậu quả thực sự từ một số vấn đề còn chưa dứt điểm trong năm 2017, như việc đàm phán lại Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA). Vì vậy, năm 2018 sẽ là một năm bất ổn và khó đoán định hơn.