Một số báo khu vực Trung Đông mấy ngày qua đưa tin, nhật báo Al-Quds Al-Arabi có trụ sở tại Anh đã dẫn một số nguồn tin đáng tin cậy ở Iran cho hay, cựu Tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad đã bị nhà chức trách nước này bắt giữ do những hành động được cho là kích động bạo loạn chống chính phủ. Đáng chú ý là việc bắt giữ này được cho là nhận được sự chấp thuận của Thủ lĩnh tối cao, Đại giáo chủ Ali Khamenei.
Thông tin này rộ lên sau khi chính quyền Iran tuyên bố các cuộc biểu tình đã chấm dứt và cáo buộc bạo lực do Mỹ và Israel kích động. Các diễn biến này đang khiến tình hình tại Iran thêm phức tạp, thách thức chính quyền Tổng thống Hassan Rouhani.
Thông tin cựu Tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad bị bắt giữ được báo chí Arab nói chung đưa tin ở mức độ, kể cả các cuộc biểu tình phản đối chính phủ của người dân vừa qua. Trước hết các nguồn thông tin từ Iran, nhất là mạng internet, điện thoại cũng bị hạn chế do đó việc đưa tin hoặc gửi tin ra ngoài cũng bị chậm. Thứ hai, các nước có quan hệ với Iran cũng chỉ đưa tin ở mức độ tránh làm phức tạp thêm tình hình và ảnh hưởng quan hệ song phương.
Báo chí khu vực đưa cũng có nhiều chiều khác nhau. Trong khi chính quyền Iran thông báo kiểm soát tình hình và gần như không còn các cuộc biểu tình phản đối và nhiều cuộc tuần hành ủng hộ chính phủ diễn ra. Tuy nhiên, trên các trang mạng xã hội vẫn có các video người dân phản đối trong sự giận dữ bằng nhiều cách khác nhau, bao gồm cả việc đốt thẻ chứng minh của họ và đốt tài liệu như hóa đơn điện, nước.
Điều đó cho thấy người dân Iran muốn gửi một thông điệp rằng họ đang tiếp tục cuộc phản đối dù bị hạn chế bởi lực lượng an ninh. Báo chí khu vực cũng thông tin, số người thiệt mạng tăng lên hơn 50 người và khoảng 2.000 người bị giam kể từ khi cuộc biểu tình bùng phát hôm 28/12/2017. Điều này cho thấy tình hình Iran vẫn căng thẳng và trở thành điểm nóng của khu vực.
Việc ông Ahmadinejad bị bắt giữ được cho là do kích động người biểu tình trong chuyến thăm tới thành phố Bushehr ngày 28/12/2017, và đã cáo buộc một số nhà lãnh đạo đương nhiệm sống xa rời những vấn đề, lo lắng của nhân dân và không hề biết gì về thực tế xã hội. Những người biểu tình còn hô vang khẩu hiệu và mang biểu ngữ với nội dung chống Đại giáo chủ Ali Khamenei và giới giáo sĩ. Điều này là sự xúc phạm nghiêm trọng đối với Đại giáo chủ và việc ông đồng ý cho chính quyền bắt giữ ông Ahmadinejad cũng là điều dễ hiểu.
Đáng chú ý là Ahmadinejad đã đảm nhiệm chức Tổng thống của Iran trong hai nhiệm kỳ liên tiếp từ năm 2005 đến năm 2013, và trong năm 2009 sau khi ông được bầu vào giai đoạn thứ hai, các cuộc biểu tình đã bùng phát ở nước này chống lại việc tái tranh cử.
Giải quyết hàng loạt khó khăn
Tổng thống Iran Hassan Rouhani đã thừa nhận, các cuộc biểu tình chống chính phủ đang diễn ra là kết quả của những vấn đề trong nước cũng như tác động từ bên ngoài. Ngày 7/1, Quốc hội Iran thảo luận kín về nguồn gốc của cuộc khủng hoảng trên cơ sở báo cáo của các cơ quan an ninh, tình báo, thông tin, quân đội. Các quan chức cấp cao của các cơ quan an ninh đã đảm bảo tình hình sẽ trở lại yên tĩnh.
Thượng viện Iran cũng không ủng hộ biện pháp hạn chế Internet trong các cuộc biểu tình, bao gồm cả việc cấm gửi tin nhắn qua mạng Telegram khi có tới 1/3 trong số 80 triệu người Iran sử dụng mạng này để liên lạc với bên ngoài. Trước đó, Iran đã cô lập các dịch vụ internet để chống sự kích động từ bên ngoài mà nước này gọi là kẻ thù.
Tổng thống Iran Hassan Rouhani nói rằng chính phủ và người dân sẽ giải quyết vấn đề với nhau, nhấn mạnh rằng những lời chỉ trích của người dân không chỉ về kinh tế mà bao gồm vấn đề tham nhũng và minh bạch. Tổng thống Iran cũng chỉ ra rằng người dân được tự do bày tỏ sự chỉ trích của họ và tất cả những người có liên quan phải trả lời những lời chỉ trích đó. Ông Rouhani kêu gọi người dân "suy nghĩ về ai là người hưởng lợi từ các cuộc biểu tình" ở Iran. Ông Rouhani yêu cầu các quan chức giải thích các vấn đề của đất nước, mỗi người theo chuyên môn của mình cho người dân.
Tuy nhiên, theo ông Rouhani, một số vấn đề là không dễ dàng giải quyết và cần có thời gian, cũng như phải được nhân dân và chính phủ hợp tác, và ông nói thêm rằng khó khăn về kinh tế là hệ lụy trong quá khứ. Tổng thống Iran nhấn mạnh rằng chính phủ cam kết thực hiện lời hứa đưa ra trong cuộc bầu cử và sẽ cố gắng hết sức để giải quyết những vấn đề của người dân.
Trong thời gian quan, Iran trở thành điểm nóng của khu vực không phải là vì vấn đề hạt nhân mà do nhiều nước cáo buộc Iran can thiệp vào công việc nội bộ, gây mất ổn định ở khu vực như ở Yemen, Syria, Lebanon. Iran mở rộng ảnh hưởng với sự hợp tác với Nga, Thổ Nhĩ Kỳ. Điều mà Mỹ và các nước đồng minh của Mỹ như Israel và Saudi Arabia không mong muốn.
Những bất ổn vừa qua, Tổng thống Rouhani cho rằng Mỹ đứng đằng sau kích động và nhấn mạnh ông Donald Trump là một người chống lại Iran đồng thời cáo buộc một số nước Arab không tôn trọng Iran. Theo các chuyên gia, Iran sẽ cố gắng đối phó với những sự kiện này một cách phù hợp để tránh sự xuất hiện của một "mùa xuân Iran" đe doạ sự ổn định của đất nước.
Tình hình Iran ảnh hưởng đến khu vực Trung Đông?
Chính quyền Iran cho rằng một trong những nguyên nhân bất ổn là do sự can thiệp từ bên ngoài, cụ thể là Mỹ, Israel và Saudi Arabia. Điều này có thể nhìn nhận rằng, các nước không ưa Iran và chính sách của nước này ở khu vực. Thời gian qua, Iran được đánh giá là thành công về mọi mặt kinh tế, chính trị, an ninh và nhất là sau khi thỏa thuận P5+1 được ký kết năm 2015, Iran mở rộng quan hệ quốc tế, kinh tế cải thiện.
Ủng hộ chính quyền Syria cùng với Nga giành nhiều thắng lợi trong củng cố vị thế của chính quyền Bashar al-Assad; ủng hộ lực lượng Houthi ở Yemen giành quyền kiểm soát nhiều khu vực; ảnh hưởng lớn ở Lebanon qua sự hỗ trợ phong trào Hezbollah; Iran cũng mở rộng quan hệ với Qatar, Thổ Nhĩ Kỳ và một số nước Arab khác…. Tuy nhiên, đây lại là những điều mà Mỹ, Israel và cả Saudi Arabia không muốn. Bởi Iran càng lớn mạnh đồng nghĩa với mối lo ngại về an ninh của Israel và Saudi Arabia tăng lên, làm giảm ảnh hưởng, vai trò của Mỹ ở Trung Đông.
Như một số chuyên gia phân tích, Iran sẽ bất ổn và là điểm nóng của khu vực Trung Đông trong năm 2018. Đối với khu vực, chắc chắn Iran sẽ không từ bỏ việc củng cố vai trò, ảnh hưởng của mình với sự hợp tác với Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và một số nước Arab khác.
Tình hình Iran ít nhiều cũng ảnh hưởng tới các vấn đề khu vực. Nhưng trên bình diện chung, vấn đề Trung Đông là cuộc chiến ủy thác do đó tiến triển tích cực hay tiêu cực phụ thuộc vào chính sách của các nước can dự nhiều hơn./.