1. 50 năm thành lập, ASEAN tạo dựng vị trí trung tâm của khu vực
Năm 2017 ghi dấu mốc lịch sử 50 năm hình thành và phát triển của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Từ một hiệp hội sơ khai với năm quốc gia sáng lập, ASEAN, hiện bao gồm 10 thành viên, đã vượt qua nhiều khó khăn và khác biệt để trở thành nhân tố đóng góp quan trọng cho hòa bình và thịnh vượng ở khu vực và thế giới. Đặc biệt, với việc hình thành Cộng đồng ASEAN vào tháng 12-2015, ASEAN trở thành nền kinh tế lớn thứ sáu thế giới và cộng đồng kinh tế phát triển năng động nhất châu Á - Thái Bình Dương. Hiệp hội đã tạo được vị thế quan trọng mà hiếm liên kết tiểu khu vực nào có được, với các cơ chế gắn kết không chỉ trong nội bộ mà còn với hàng loạt đối tác lớn trên thế giới.
2. Đại hội XIX đánh dấu giai đoạn phát triển mới của Trung Quốc
Diễn ra từ ngày 18 đến 24-10-2017, Đại hội XIX Đảng Cộng sản Trung Quốc vạch ra tư tưởng, phương châm, sách lược cơ bản của chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc trong thời đại mới, cùng tầm nhìn chiến lược đến năm 2050 với mục tiêu đưa Trung Quốc trở thành cường quốc xã hội chủ nghĩa hiện đại và tầm ảnh hưởng dẫn đầu thế giới. Đại hội đã thông qua nghị quyết sửa đổi Điều lệ Đảng, bổ sung tư tưởng Tập Cận Bình về chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc trong thời đại mới làm nền tảng chỉ đạo con đường phát triển.
3. Tổng thống Mỹ Trump nhậm chức, đưa Mỹ rút khỏi nhiều cam kết toàn cầu
Ngày 23-1-2017, Tổng thống Mỹ Donald Trump ký một sắc lệnh hành pháp chính thức rút nước này khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Ngày 20-1-2017, tỷ phú Donald Trump nhậm chức trở thành tổng thống 45 của nước Mỹ sau cuộc bầu cử đầy bất ngờ.Trong năm cầm quyền đầu tiên, thực hiện khẩu hiệu tranh cử “Nước Mỹ trước tiên”, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã có những quyết định mang tính đảo ngược đối với hàng loạt chính sách kinh tế, ngoại giao quan trọng, điển hình là việc rút khỏi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định Paris về ứng phó biến đổi khí hậu, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO); cắt giảm 1/3 chi tiêu ngoại giao và các khoản viện trợ quốc tế; siết chặt kiểm soát nhập cư... Chiến lược An ninh quốc gia mới, được Tổng thống Trump công bố ngày 18-12-2017, cũng thể hiện rõ chính sách đơn phương và đề cao lợi ích quốc gia của Mỹ. Tuy nhiên, khái niệm địa chính trị “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương” được chính quyền đương nhiệm Mỹ sử dụng đã phản ánh một tầm nhìn chiến lược mới theo hướng liên kết rộng hơn.
4. Khủng hoảng hạt nhân Triều Tiên bị đẩy lên nấc thang mới
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un vui mừng sau khi chỉ đạo một vụ phóng tên lửa.
Căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên tiếp tục gia tăng với hàng loạt vụ phóng thử tên lửa đạn đạo có khả năng vươn tới các vùng lãnh thổ của Mỹ ở Thái Bình Dương, đặc biệt là vụ thử hạt nhân lần thứ sáu của Bình Nhưỡng vào ngày 3-9-2017. Trong năm 2017, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã thông qua bốn nghị quyết tăng cường trừng phạt Triều Tiên; Tổng thống Mỹ Donald Trump liên tiếp đưa ra những tuyên bố cứng rắn, đưa Triều Tiên trở lại cái gọi là danh sách “các nước bảo trợ khủng bố”. Tuy nhiên, việc giải quyết hồ sơ tên lửa - hạt nhân Triều Tiên vẫn bế tắc. Điều này cho thấy các biện pháp trừng phạt hay cô lập của quốc tế đã không phát huy tác dụng, ngược lại khiến Triều Tiên đáp trả mạnh mẽ hơn.
5. Châu Âu đối mặt với bất ổn về an ninh và chính trị
Hàng chục ngàn người đã xuống đường ở thủ đô Madrid và gần 50 thành phố của Tây Ban Nha để đòi đối thoại giải quyết vấn đề Catalonia hoặc đòi đoàn kết thống nhất đất nước.
Năm 2017, châu Âu tiếp tục đối mặt với nhiều bất ổn cả về chính trị và an ninh. Các vụ khủng bố, với mức độ nguy hiểm và hình thức khó lường, liên tiếp xảy ra tại Anh, Pháp, Bỉ…; xu hướng ly khai bùng lên tại một số quốc gia mà điển hình là cuộc trưng cầu dân ý trái phép của vùng Catalonia, Tây Ban Nha; những trắc trở trong trong đàm phán thành lập chính phủ mới tại Đức hay tiến trình đàm phán Brexit đã bộc lộ những mâu thuẫn sâu sắc tồn tại trong lòng châu Âu.
6. IS thất bại toàn diện tại Syria và Iraq
Cuộc chiến chống tổ chức khủng bố "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng tại Syria và Iraq, với sự can dự mạnh mẽ của Nga và liên quân quốc tế, đã giành được những thắng lợi quan trọng. Sau hàng loạt chiến dịch trong năm 2017, quân đội Nga tuyên bố đã đẩy lùi hoàn toàn IS khỏi các vùng lãnh thổ của Syria. Tại Iraq, IS đã bị đánh bật ra khỏi mọi cứ địa quan trọng mà tổ chức này chiếm giữ suốt hơn 3 năm qua. Tuy nhiên, hiểm họa IS chưa kết thúc khi tư tưởng cực đoan bạo lực tiếp tục được truyền bá và IS đang tìm cách đặt các căn cứ mới, sử dụng các biện pháp tấn công khủng bố mới.
7. Trump công nhận Jerusalem là thủ đô Israel
Quyết định ngày 6-12-2017 của Tổng thống Mỹ Donald Trump công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel và dời Đại sứ quán Mỹ từ Tel Aviv đến Jerusalem đã khiến dư luận thế giới lo ngại. Đây được coi là bước đi nguy hiểm không chỉ đe dọa hủy hoại tiến trình hòa đàm Trung Đông, mà còn làm bùng phát làn sóng bạo lực mới giữa người Palestine và Israel, giữa cộng đồng Do Thái và Arab, đẩy Trung Đông vào giai đoạn hỗn loạn mới, đe dọa an ninh và ổn định của khu vực và thế giới.
8. Trí tuệ nhân tạo phát triển mạnh mẽ
Sophia, robot đầu tiên được trao quyền công dân.
Công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) tiếp tục có những bước tiến mạnh mẽ trong năm 2017. Hàng loạt dự án được mở rộng với nhiều nguồn lực từ cá nhân, các tổ chức, doanh nghiệp và cả chính phủ các nước, cùng nhiều sản phẩm thuộc nhiều lĩnh vực, từ giao thông vận tải đến các loại máy móc tối ưu hóa trong y học, các ứng dụng AI trong lĩnh vực phân phối, bán lẻ, tình báo, an ninh, giám sát, nghiên cứu vũ trụ... Robot thế hệ mới có hình dáng, giọng nói, tư duy, biểu cảm như con người. Đặc biệt, Saudi Arabia chính thức cấp quyền công dân cho “cô” người máy Sophia. Tuy nhiên, trí tuệ nhân tạo cũng đang đặt ra những thách thức lớn cho nhân loại, đặc biệt là nguy cơ về mất an ninh và ổn định toàn cầu.
9. Tổng thống Zimbabwe bị phế truất
Sau nhiều áp lực, ông Robert Mugabe ngày 21-11-2017 phải chấp nhận từ chức. Mugabe được ca ngợi là anh hùng dân tộc khi giúp Zimbabwe giành độc lập vào năm 1980. Nhưng dưới sự lãnh đạo của ông, Zimbabwe đi từ một trong những đất nước giàu có nhất châu Phi trở thành quốc gia nghèo nhất thế giới. Ông còn bị cáo buộc đàn áp những người bất đồng chính kiến và can thiệp bầu cử. Trong 37 năm cầm quyền, ông liên tiếp từ chối chỉ định người kế nhiệm, thậm chí từng tuyên bố sẽ ra tranh cử vào năm 2018 ở tuổi 94.
10. Khủng hoảng chính trị kinh tế Venezuela
Ngày 27-6-2017, Oscar Perez, cựu sĩ quan Cơ quan điều tra và tình báo Venezuela, lái trực thăng bắn 15 phát đạn vào tòa nhà Bộ Nội vụ và thả 4 quả lựu đạn xuống tòa án tối cao Venezuela. Trên trực thăng có dòng chữ "Quyền tự do. Điều 350", quy định trong hiến pháp Venezuela cho phép công dân chống lại các chính phủ "vi phạm giá trị dân chủ hoặc nhân quyền". Vụ việc là đỉnh điểm khủng hoảng âm ỉ tại Venezuela sau 4 năm Tổng thống Nicolas Maduro, xuất thân từ một tài xế taxi, lên lãnh đạo. Lạm phát năm 2017 tăng 800%, đẩy Venezuela vào tình trạng vỡ nợ.