Kết quả của một nghiên cứu vừa công bố trên tạp chí y khoa The Lancet Gastroenterology & Hepatology ngày 27/3 cho thấy viêm gan siêu vi B là một tai họa toàn cầu ảnh hưởng đến gần 300 triệu người trên toàn thế giới, trong đó 95% không được điều trị hoặc điều trị kém.
Bệnh do siêu vi khuẩn gây ra, nếu không được điều trị, có thể gây tử vong cho các biến chứng như xơ gan hoặc ung thư.
Theo nghiên cứu vừa công bố, số ca tử vong do những biến chứng này là 600.000 ca mỗi năm. Trong đó, tình hình đặc biệt đáng lo ngại đối với phụ nữ có thai, những người có thể truyền virus cho con của họ, trong khi trên thế giới chỉ có 1% những phụ nữ này được điều trị đầy đủ. Một trong những lý do được đưa ra là bệnh nhân mắc viêm gan B chưa được chẩn đoán.
Virus viêm gan B rất dễ lây, dễ lây truyền qua đường máu hoặc các chất dịch cơ thể khác. Và trẻ em thường là nạn nhân.
Bệnh này không thể chữa khỏi, nhưng thuốc kháng virus có thể chống lại các triệu chứng của bệnh. Ngoài ra, một loại vắcxin tồn tại từ đầu những năm 1980, do Tổ chức Y tế Thế giới đề xuất từ năm 1992 để tiêm cho trẻ sơ sinh trong 24 giờ đầu tiên. Tuy nhiên, chỉ một nửa số trẻ sơ sinh trên thế giới được tiêm phòng vắcxin này một cách nhanh chóng.
Tác giả chính của nghiên cứu, ông Homie Razavi, nhà nghiên cứu virus của trung tâm nghiên cứu CDA de Louisville (Mỹ), cho biết: "Hầu hết sự lây truyền từ mẹ sang con diễn ra trong vòng vài ngày sau sinh, vì vậy tiêm phòng vắcxin là việc làm rất quan trọng”.
Nghiên cứu cũng cho thấy 16 quốc gia tập trung hơn 80% số trẻ em dưới 5 tuổi bị ảnh hưởng bởi bệnh viêm gan B, song chỉ có Trung Quốc đạt mức tiêm phòng 90% khi sinh.
Nghiên cứu thu thập dữ liệu từ 435 nghiên cứu khác, và công việc của hơn 600 chuyên gia từ nhiều nước. Kết quả ước tính có khoảng 292 triệu bệnh nhân viêm gan B vào năm 2016, tương đương 4% dân số thế giới.
Loại virus này phổ biến nhất ở Đông Á và châu Phi vùng hạ Sahara. Tại Cộng hòa Trung Phi nói riêng, 12% dân số bị ảnh hưởng. 5 quốc gia đang phát triển (Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Nigeria và Philippines) chiếm 60% số ca nhiễm bệnh./.