Giám đốc điều hành Facebook Mark Zuckerberg vừa lên tiếng thừa nhận "gã khổng lồ công nghệ" này đã mắc phải “sai lầm” trong vấn đề quản lý dữ liệu người dùng, đồng thời cam kết sẽ tăng cường các biện pháp bảo vệ thông tin cá nhân trong thời gian tới.
Đây là lời trần tình được ông chủ Facebook đăng tải trên trang cá nhân ngày 21/3 sau khi phải đối mặt với những cáo buộc liên quan tới việc một công ty phân tích dữ liệu đã được quyền tiếp cận bất hợp pháp thông tin người sử dụng Facebook.
Trong số những biện pháp bảo vệ thông tin người dùng được ông chủ Facebook đề cập tới bao gồm việc cho phép người sử dụng đăng nhập vào một ứng dụng chỉ yêu cầu cung cấp tên, hình ảnh đại diện và địa chỉ email. Một ứng dụng khác yêu cầu nhà phát triển ứng dụng cần có được sự chấp thuận, thậm chí là ký kết thỏa thuận để chủ tài khoản cho phép truy cập vào những bài viết của họ trên Facebook hay những dữ liệu cá nhân khác.
Trong một bài trả lời phỏng vấn hãng CNN ngày 21/3, Giám đốc điều hành Facebook Mark Zuckerberg đã đưa ra lời xin lỗi và thừa nhận “vụ việc này là một sự rạn nứt nghiêm trọng về lòng tin”. Ông chủ mạng xã hội Facebook khẳng định trách nhiệm trước mắt là bảo đảm sự việc này sẽ không tái diễn. Bên cạnh đó, Giám đốc điều hành Facebook cũng tuyên bố sẵn sàng điều trần trước các nhà làm luật trong khi Quốc hội Mỹ đang lên kế hoạch điều tra vụ việc.
Tuy nhiên, trả lời phỏng vấn tờ New York Times số xuất bản ngày 21/3, Giám đốc điều hành Mark Zuckerberg cũng cho biết, hiện ông chưa thấy có quá nhiều người xóa tài khoản sau vụ bê bối của Facebook. Trong 3 ngày qua, gã khổng lồ công nghệ này đã mất khoảng 45 tỷ USD giá trị trên thị trường chứng khoán trước tâm lý lo ngại của giới đầu tư rằng, thất bại của Facebook trong việc bảo vệ dữ liệu cá nhân sẽ làm giảm tỷ lệ người sử dụng và quảng cáo, đồng thời mở đường cho việc siết chặt những quy tắc liên quan.
Được biết, hiện “người thổi còi” trong vụ bê bối của Facebook là ông Christopher Wylie – một người từng làm việc cho Cambridge Analytica cũng tuyên bố trên trang cá nhân rằng ông chấp nhận đề nghị điều trần trước các nhà làm luật Anh và Mỹ.
Năm 2013, ông Aleksandr Kogan - một giáo sư tâm lý học của một trường đại học Anh đã tiến hành một cuộc nghiên cứu đối với những người sử dụng Facebook thông qua việc phát triển một ứng dụng trắc nghiệm. Ước tính, đã có khoảng 300.000 người tải về và cung cấp dữ liệu cá nhân thông qua việc trả lời câu hỏi mà ông Kogan đưa ra. Tuy nhiên, điều đáng nói là những người này đã cung cấp cả thông tin của bạn bè trên Facebook – gồm cả những người không đồng ý chia sẻ thông tin cá nhân, nâng tổng số những người cung cấp thông tin vào phần thi trắc nghiệm này lên tới 50 triệu người sử dụng Facebook.
Sau đó, thông tin của hơn 50 triệu người này được cho là đã bị chuyển giao bất hợp pháp cho công ty tư vấn chính trị Cambridge Analytica có trụ sở tại London (Anh). Những dữ liệu này cũng được cho là đã hậu thuẫn cho chiến dịch tranh cử của Tổng thống Mỹ Donald Trump vào năm 2016./.