Gần 50 triệu cử tri Italy ngày 3/3, được kêu gọi đến các điểm bỏ phiếu trên toàn quốc để bầu ra Quốc hội mới gồm 630 nghị sĩ và qua đó lập ra một chính phủ mới để điều hành đất nước.
Trước thềm cuộc tổng tuyển cử, cuộc đua tranh giữa các đảng phái và các liên minh đang vô cùng phức tạp. Về tổng quan, có 3 lực lượng chính trị chính tại Italy tham gia cuộc đua giành phiếu của cử tri.
Lực lượng đầu tiên là liên minh trung hữu gồm 4 đảng cánh hữu và cực hữu, trong đó nổi bật là: Đảng Tiến lên Italy của cựu Thủ tướng Silvio Berlusconi và đảng Liên đoàn, trước đây là Đảng Liên đoàn phương Bắc mang tư tưởng ly khai và cực hữu.
Lực lượng thứ hai là Đảng Dân tuý “Phong trào 5 sao”, vốn nổi lên tại Italy trong vài năm qua và hiện do thủ lĩnh 31 tuổi Luigi Di Maio dẫn dắt.
Cuối cùng, lực lượng thứ ba là liên minh cánh tả, trong đó giữ vai trò chủ chốt là Đảng Dân chủ của 3 chính trị gia đã và đang làm Thủ tướng Italy là các ông Matteo Renzi, Enrico Letta và Paolo Gentiloni.
Do luật bầu cử Italy rất phức tạp và việc thăm dò dư luận bị cấm tiến hành 2 tuần trước bầu cử nên đến sát thời điểm bỏ phiếu, các phân tích đều nhận định đây là cuộc tuyển cử có quá nhiều ẩn số và kịch bản khó lường.
Các thăm dò dư luận được tiến hành từ 2 tuần trước cho thấy, nếu xét riêng từng đảng thì Đảng dân tuý “Phong trào 5 sao” sẽ là chính đảng lớn nhất tại Italy với dự kiến giành được từ 28 đến 29% phiếu bầu của cử tri.
Tuy nhiên, do “Phong trào 5 sao” từ chối mọi liên minh với các đảng phái khác nên khả năng đảng này chiến thắng và tự lập được chính phủ mới là tương đối thấp bởi theo luật Italy, một đảng hay liên minh phải giành đa số tuyệt đối, tức ít nhất 315 ghế trong Quốc hội mới có thể tự lập chính phủ.
Vì thế, giới quan sát dự đoán liên minh trung hữu nhiều khả năng sẽ giành nhiều phiếu nhất, với từ 35 đến 38%, tiếp đến là “Phong trào 5 sao” với 28-29% và liên minh trung tả từ 23 đến 27%.
Tuy nhiên, kịch bản này có thể sẽ lại đẩy đất nước Italy vào tình thế không thể điều hành bởi không có đảng nào hay liên minh nào chiếm đa số tuyệt đối.
Đối với Liên minh châu Âu, cuộc tổng tuyển cử tại Italy được theo dõi sát sao với thái độ lo ngại. Do Italy là nền kinh tế lớn thứ 3 châu Âu và là cửa ngõ để châu Âu ngăn chặn làn sóng tị nạn nên một sự bế tắc chính trị tại Italia sẽ có ảnh hưởng xấu đến cả khối.
Trong tất cả các kịch bản hậu bầu cử được đặt ra, chỉ có kịch bản chính phủ hiện nay của Thủ tướng Paolo Gentiloni tiếp tục nắm giữ quyền lực là phù hợp nhất với mong muốn của EU bởi cá nhân ông Gentiloni và Đảng Dân chủ Italy nhận được sự ủng hộ lớn từ các nhà lãnh đạo châu Âu như Thủ tướng Đức Angela Merkel, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hay Chủ tịch Uỷ ban châu Âu Jean-Claude Juncker. Tuy nhiên, đây lại là kịch bản ít khả thi.
Các kịch bản khác, như việc Đảng “Phong trào 5 sao” chiến thắng hay việc thủ lĩnh Đảng Liên đoàn trong liên minh trung hữu là ông Matteo Salvini lên làm Thủ tướng Italy, đều sẽ là tin rất xấu với Liên minh châu Âu bởi 2 đảng này đều mang tư tưởng bài châu Âu, dân tuý và cực hữu./.