Ngày 15-3, Bộ trưởng Kinh tế Mexico Ildefonso Guajardo cảnh báo Mexico và Canada cần phải chuẩn bị sẵn sàng cho một Hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA) thiếu vắng Mỹ.
Phát biểu trước báo giới tại Diễn đàn Kinh tế thế giới về Mỹ Latinh diễn ra ở thành phố Sao Paulo, Brazil, quan chức Mexico khẳng định NAFTA sẽ vẫn tiếp tục giữa Mexico và Canada, và Mỹ sẽ phải quyết định tiếp tục hay rời khỏi “cuộc chơi”.
Ông Guajardo nhận định lịch trình bầu cử Tổng thống ở Mexico (vào ngày 1-7 tới) và bầu cử giữa kỳ Quốc hội Mỹ (tháng 11) ảnh hưởng tới tiến trình tái đàm phán NAFTA. Trong trường hợp các bên không hoàn tất tái đàm phán hiệp định vào cuối tháng Tư tới để quốc hội hiện hành thông qua, nhiều khả năng việc đàm phán sẽ phải kéo dài tới cuối năm.
Theo Bộ trưởng Guajardo, khả năng đảng Dân chủ giành đa số phiếu tại Quốc hội Mỹ vào tháng 11 tới có thể xảy ra và như vậy, sự cân bằng của thỏa thuận sẽ phải thay đổi để được các nhà lập pháp Mỹ thông qua. Đảng Dân chủ có xu hướng chống lại các cơ chế giải quyết tranh chấp giữa các nhà đầu tư và chính quyền các bang, cũng như ủng hộ các tổ chức công đoàn quốc tế.
Vòng 8 về đàm phán lại NAFTA ( gồm Mexico, Mỹ và Canada) dự kiến sẽ lùi lại 1 tuần so với kế hoạch trước đó và bắt đầu vào ngày 8/4 tới tại Washington, Mỹ. Theo quan chức Mexico, nhiều cuộc gặp bộ trưởng giữa 3 bên sẽ được tiến hành trước trước vòng đàm phán sắp tới nhằm đẩy nhanh tiến trình hoàn tất một NAFTA mới.
Tại vòng 7 tái đàm phán NAFTA vừa kết thúc tại thủ đô Mexico City của Mexico, các bên đã hoàn tất thêm 3 chương mới gồm các biện pháp vệ sinh và kiểm dịch động thực vật, quy định thực tế và minh bạch, qua đó nâng tổng số chương đạt được đồng thuận lên 6/33. Ngoài ra, 3 nước cũng gần như thống nhất thêm 6 chương về viễn thông, thương mại số, rào cản thương mại, năng lượng, doanh nghiệp và sở hữu Nhà nước, dịch vụ tài chính, cũng như các phụ lục ngành liên quan tới hóa chất và lương thực.
Qua 7 vòng đàm phán, Mexico, Mỹ và Canada đã đạt được những tiến bộ nhất định, nhưng những vấn đề được cho là gai góc, còn nhiều bất đồng sâu sắc như quy định xuất xứ, điều khoản tự động hết hạn sau 5 năm và giải quyết tranh chấp thương mại hầu như chưa có tiến triển.
NAFTA, có hiệu lực từ năm 1994, hiện chiếm 40% GDP toàn cầu. Trao đổi thương mại nội khối đạt trên 1.200 tỷ USD trong năm 2017, trong đó Mỹ đang là thị trường xuất khẩu lớn nhất của cả Mexico và Canada./.