Thúc đẩy kết nối tiểu vùng Mê Công

14:17, 28/03/2018

Hội nghị cấp cao hợp tác tiểu vùng Mê Công mở rộng lần thứ sáu (GMS-6) và Hội nghị cấp cao hợp tác khu vực Tam giác phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam lần thứ 10 (CLV-10) sẽ diễn ra tại Hà Nội từ ngày 29 đến 31-3 tới.  

Việc Việt Nam đăng cai chủ trì các hội nghị quan trọng này khẳng định vai trò của Việt Nam là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong việc thúc đẩy kết nối và hợp tác ở khu vực tiểu vùng Mê Công.

Tiểu vùng Mê Công mở rộng (GMS) là một khu vực được gắn kết với nhau bởi dòng sông Mê Công, có diện tích 2,6 triệu km2 và số dân khoảng 340 triệu người. Hợp tác GMS được đánh giá là cơ chế hợp tác có hiệu quả hàng đầu trong số các cơ chế hợp tác tại tiểu vùng Mê Công. Các nước thành viên của GMS bao gồm Việt Nam, Campuchia, Lào, Myanmar, Thái-lan và Trung Quốc (với hai tỉnh đại diện là Vân Nam và Quảng Tây).

Ðược khởi xướng từ năm 1992 với sự hỗ trợ của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), cơ chế hợp tác GMS có mục tiêu dài hạn thúc đẩy, tạo điều kiện thuận lợi cho sự hợp tác phát triển kinh tế cùng có lợi giữa các nước thành viên, đưa tiểu vùng Mê Công mở rộng nhanh chóng trở thành vùng phát triển nhanh và thịnh vượng ở khu vực Ðông - Nam Á. Những năm qua, hợp tác GMS đã đạt được những bước tiến quan trọng, thu hút sự quan tâm của nhiều đối tác lớn trong và ngoài khu vực, qua đó khơi dậy và phát triển tiềm năng kinh tế các vùng trong khu vực.

Việt Nam tham gia tích cực chương trình hợp tác kinh tế GMS ngay từ khi chương trình này được thành lập vào năm 1992. Sự tham gia của Việt Nam mang đến nhiều kết quả tích cực về phát triển kinh tế và xóa đói, giảm nghèo, cũng như góp phần gia tăng liên kết kinh tế khu vực. Tính đến tháng 12-2017, các dự án hợp tác trong GMS tại Việt Nam có quy mô đạt khoảng sáu tỷ USD, chiếm khoảng 30% tổng số khoản vay, trợ cấp của GMS.

Hiện nay, Việt Nam là mắt xích quan trọng trong việc hình thành các hành lang kinh tế GMS và đã tham gia vào ba tuyến hành lang kinh tế chính là bắc - nam, đông - tây và hành lang ven biển phía nam. Nhiều dự án giao thông trong khuôn khổ chương trình hợp tác GMS đã được hoàn thành và đưa vào sử dụng, như dự án Hành lang Côn Minh - Hải Phòng, tuyến hành lang phía bắc đoạn từ Thanh Hóa nối sang Lào và Thái-lan… Ngoài ra, Việt Nam cũng tham gia rất tích cực vào các nỗ lực nâng cao hợp tác du lịch, viễn thông, năng lượng, nông nghiệp… trong tiểu vùng Mê Công.

Cơ chế hợp tác Tam giác phát triển khu vực biên giới Campuchia, Lào và Việt Nam (CLV) được Thủ tướng ba nước quyết định thành lập năm 1999, với mục tiêu nhằm tăng cường tình đoàn kết và sự hợp tác giữa ba nước, góp phần bảo đảm an ninh, ổn định chính trị, xóa đói, giảm nghèo và phát triển kinh tế - xã hội trong khu vực. Hợp tác Tam giác phát triển CLV tập trung vào các lĩnh vực: an ninh - đối ngoại, giao thông - vận tải, công nghiệp, nông nghiệp, thương mại, đầu tư… Các Hội nghị cấp cao CLV đều đạt được những kết quả quan trọng, như nhất trí đẩy mạnh huy động nguồn lực, trong đó có vận động các nhà tài trợ để phát triển hạ tầng giao thông, năng lượng; trao đổi định hướng hợp tác về kết nối ba nền kinh tế, phát triển ngành công nghiệp cao-su, du lịch, hợp tác môi trường…

Tại buổi họp báo quốc tế trước thềm Hội nghị cấp cao GMS-6 và Hội nghị cấp cao CLV-10, Thứ trưởng Ngoại giao Ðặng Ðình Quý nhấn mạnh, Việt Nam là thành viên tích cực và chủ động trong cả hai cơ chế hợp tác tiểu vùng Mê Công mở rộng và Tam giác phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam. Với việc đăng cai chủ trì Hội nghị cấp cao GMS-6 và Hội nghị cấp cao CLV-10, Việt Nam tiếp tục khẳng định sự coi trọng hợp tác trong tiểu vùng và không ngừng phát huy vai trò là thành viên chủ động, sáng tạo, cùng các nước thành viên của GMS xây dựng khu vực Mê Công thịnh vượng, hội nhập và phát triển bền vững.