Tổng thống Mỹ D. Trump đã hoãn chuyến công du dự Hội nghị thượng đỉnh các nước châu Mỹ để “chỉ đạo đáp trả vụ tấn công mà Mỹ cáo buộc sử dụng vũ khí hóa học tại Syria và kiểm soát tình hình phức tạp đang diễn ra trên thế giới” như tuyên bố của phát ngôn viên Nhà trắng.
Những tuyên bố cứng rắn
Ngày 9/4/2018, Tổng thống Mỹ D. Trump tuyên bố Washington có rất nhiều lựa chọn về mặt quân sự đối với Syria và sẽ hành động nhanh chóng, mạnh mẽ nhằm đáp trả vụ tấn công nghi sử dụng vũ khí hóa học tại thị trấn Douma, Đông Ghouta (Syria) hôm 7/4 làm hơn 40 người thiệt mạng; đồng thời, tuyên bố bất cứ quốc gia nào khác bị phát hiện có trách nhiệm trong vụ tấn công này sẽ "phải trả giá".
Ông D. Trump quyết định không thực hiện chuyến công du dự Hội nghị thượng đỉnh châu Mỹ (OAS), tổ chức tại Peru vào hai ngày 13 và 14/4 tới. Trong thông cáo báo chí phát đi từ Nhà trắng có nhấn mạnh rằng, Tổng thống Mỹ thay đổi lịch trình là để ở lại nước Mỹ, trực tiếp chỉ đạo cuộc đáp trả đối với Syria và kiểm soát tình hình đang diễn biến phức tạp trên thế giới. Thông tin này được các hãng truyền thông lớn trích dẫn và kèm theo bình luận rằng, đòn trừng phạt quân sự này chỉ có thể tránh được khi Syria và Nga chấp nhận một cuộc diều tra độc lập về vụ tấn công hóa học tại Douma, Syria.
Theo Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis, điều đầu tiên phải xem xét là tại sao vũ khí hóa học vẫn đang được sử dụng và hiện Mỹ đang phối hợp với các đồng minh và đối tác từ Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tới Qatar để giải quyết vấn đề trên. Ông không loại trừ khả năng Mỹ sẽ tiến hành giải pháp quân sự đối với Syria, trong đó có việc không kích quốc gia Trung Đông này.
Những tuyên bố và động thái này làm dư luận hết sức lo ngại nhưng ở phía trái chiều, những người lạc quan lại đoàn già đoán non rằng, việc tuyên bố của ông D. Trump có lẽ sẽ có cái kết có hậu như đã từng xảy ra trước đây khi ông tuyên bố cứng rắn với Triều Tiên và sau đó lại chấp nhận một cuộc đối thoại hòa bình với nhà lãnh đạo Kim Jung-in.
Về phía Syria, trang mạng Zaman Al Wasl, ngày 10/4 cho biết, các lực lượng của chính quyền Syria đang cảnh giác cao độ trước những lo ngại về nguy cơ sắp xảy ra một cuộc tấn công của Mỹ; theo đó, triển khai ngay lập tức hệ thống phòng không hiện đại xung quanh thủ đô Damascus và gần Phủ tổng thống của nước này.
Theo các nguồn tin, hiện Syria đã huy động 6 hệ thống phòng thủ, trong đó có hệ thống phòng không Pantsir-S2 của Nga gồm tên lửa đất đối không tầm trung và pháo phòng không. Hầu hết các hệ thống phòng không đã được triển khai tại sân bay quân sự Mezzeh, phía Tây Damacus.
Hãng tin nhà nước của Syria đã truyền đi quan điểm của Bộ Ngoại giao Syria, rằng “Syria sẵn sàng hợp tác với các điều tra viên của Cơ quan cấm sử dụng và phổ biến vũ khí hóa học của Liên hợp quốc” để “làm rõ trắng, đen” trước những cáo buộc của Mỹ và phương Tây nhằm loại bỏ cái cớ “gây chiến xâm lược” đối với Syria.
Tới lượt mình, đại diện thường trực của Nga - Cơ quan cấm sử dụng và phổ biến vũ khí hóa học của Liên hợp quốc lên tiếng hối thúc cần triển khai ngay việc điều tra, bởi càng chậm trễ thì càng có thời gian cho việc lạm dụng những chứng cứ giả tạo về cái gọi là “sử dụng vũ khí hóa học ở Douma” tạo cớ gây chiến tranh.
Trong khi đó, phản ứng trước tuyên bố sẽ đáp trả cuộc tấn công nghi sử dụng vũ khí hoá học ở Syria, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov tuyên bố, lập trường của Mỹ và các quốc gia khác về vụ tấn công này là "không mang tính xây dựng".
Đại sứ Nga tại Liên hợp quốc Vasily Nebenzya cho biết, Moskva đã kêu gọi Mỹ "kiềm chế" và cảnh báo về "những hậu quả khôn lường" nếu Washington tấn công các lực lượng của chính phủ Syria.
Thứ trưởng Ngoại giao Nga Mikhail Bogdanov tuyên bố không có mối đe dọa nào về tình trạng bế tắc tại Syria dẫn đến một cuộc đụng độ quân sự giữa Nga và Mỹ. Theo ông Bogdanov, giới chức Nga và Mỹ có "các mối liên lạc làm việc" về vấn đề Syria và ông tin rằng hai bên sẽ có quan điểm chung.
Phát biểu tại cuộc họp báo tại Bắc Kinh, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Geng Shuang tuyên bố, Trung Quốc "phản đối sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực bừa bãi". Theo ông Geng Shuang, trước khi một cuộc điều tra toàn diện, công bằng và khách quan được tiến hành, không bên nào được "đưa ra kết luận và đi đến kết luận một cách tùy tiện". Ông nhấn mạnh: "Biện pháp quân sự sẽ không đưa chúng ta đi đến đâu".
Tái diễn quy trình tấn công mới?
Những thông tin chưa được xác thực về vụ tấn công bằng vũ khí hóa học tại Douma xuất hiện đúng thời điểm mà một năm trước, ngày 7/4/2017, Tổng thống Mỹ D. Trump đã ra lệnh tấn công chớp nhoáng nhằm vào một căn cứ quân sự của Syria bằng 50 quả tên lửa tên lửa hành trình Tomahawk. Washington giải thích quyết định tấn công này là để "đáp trả" một vụ tấn công nghi có sử dụng vũ khí hóa học ở Idlib ngày 4/4, làm hơn 80 người thiệt mạng và hàng trăm người bị thương. Mỹ và các nước phương Tây một mực đổ lỗi cho quân đội Syria sử dụng vũ khí hóa học tấn công dân thường, trong khi Bộ Quốc phòng Nga khẳng định quân đội Syria đã không kích trúng kho vũ khí hóa học của phe đối lập nước này. Trong khi chưa có bất kỳ kết quả điều tra chính thức về nghi vấn sử dụng vũ khí hóa học trên, Mỹ đã đơn phương có hành động quân sự nhằm vào quân đội chính quyền Syria. Cho đến nay, những cáo buộc nêu trên vẫn vô căn cứ, song những mất mát về người và tài sản thì không thể lấy lại.
Quy trình cáo buộc rồi tấn công này lại có nguy cơ tái diễn sau đúng một năm. Mỹ và nhiều nước phương Tây tiếp tục cáo buộc chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad thực hiện vụ tấn công bằng vũ khí hóa học ở Douma, thị trấn do lực lượng đối lập kiểm soát thuộc khu vực Đông Ghouta của Syria hôm 7/4 vừa qua, và lập tức sân bay quân sự T-4 của Syria đã bị không kích khiến ít nhất 14 người thiệt mạng. Chính quyền Syria và Nga đã cáo buộc Israel tiến hành vụ không kích. Phía Nga nhấn mạnh không thể chấp nhận sự “khiêu khích” và “suy diễn” xung quanh vụ tấn công, đồng thời nhấn mạnh không thể kết luận vội vàng về vụ tấn công ở Douma. Nhằm đáp trả vụ nghi tấn công sử dụng vũ khí hóa học, Tổng thống Mỹ Trump đã đe dọa sẽ tiến hành một cuộc tấn công quân sự Syria.
Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng nếu Washington phát động một cuộc tấn công quân sự Syria vào thời điểm này sẽ không dễ dàng như một năm trước. Bởi thực tế cho thấy, dưới sự vào cuộc tích cực cả về ngoại giao và quân sự của Nga, tình hình Syria tới nay đang diễn ra theo chiều hướng tích cực. Chính quyền Syria tiếp tục giành nhiều lợi thế trên thực địa, giải phóng hầu hết các khu vực khỏi lực lượng khủng bố và phiến quân, buộc các tay súng nổi dậy Jaish al-Islam phải rời thị trấn Douma, khu vực cuối cùng còn quân nổi dậy kiểm soát tại Đông Ghouta, để rút về phía Bắc Syria. Trong khi phía Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã hoàn toàn kiểm soát thành phố Afrin ở Tây Bắc Syria, đẩy lui lực lượng Các đơn vị bảo vệ nhân dân người Kurd (YPG) ra khỏi khu vực. Iran cũng đã mở rộng sự hiện diện và ảnh hưởng tại Syria thông qua hoạt động hỗ trợ của Lực lượng Vệ binh cách mạng Iran cho chính quyền Tổng thống al-Assad trong các chiến dịch quân sự vừa qua.
Từ góc độ trên có thể thấy vai trò rõ nét của Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran, so với sự mờ nhạt của Mỹ và đồng minh trên chiến trường Syria, từ việc đưa ra quyết định lịch sử về việc thành lập các khu vực tránh leo thang ở Syria cho tới chia sẻ trách nhiệm cho tương lai của Syria.
Khi vai trò chính gần như đã hoàn tất, Tổng thống Nga Vladimir Putin quyết định rút một phần quân đội Nga khỏi Syria sau khi hoàn thành nhiệm vụ hỗ trợ đánh bại tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng trên lãnh thổ Syria theo đề nghị của chính quyền Tổng thống al-Assad. Song liệu Mỹ có làm như vậy? Báo Độc lập (Nga) bình luận rằng tuyên bố mới đây của Tổng thống Trump về việc Mỹ sẽ rút quân khỏi Syria có thể không trở thành hiện thực. Điều này được thể hiện rõ khi tại Hội nghị An ninh quốc tế vừa diễn ra ở Moskva, người đứng đầu Cơ quan tình báo quốc gia Mỹ Dan Coates đã tuyên bố rằng quyết định rút quân sẽ được thực hiện “trong một số điều kiện nhất định”. Trong khi đó, tờ Washington Post dẫn nguồn tin cao cấp cho biết Tổng thống Trump đã ra lệnh chuẩn bị rút quân khỏi Syria, nhưng không nêu rõ ngày bắt đầu thực hiện. Và ngày này có thể sẽ không được công bố bởi cuộc chiến chống khủng bố tại Syria sẽ kéo dài và nếu Mỹ rời khỏi liên minh ở Syria thì liên minh này sẽ không thể tồn tại.
Theo giới phân tích, dường như những tuyên bố về việc rút quân khỏi Syria chỉ là một "quân bài" để đàm phán và mặc cả. Giáo sư về An ninh quốc tế Aleksey Fenenko thuộc Khoa Chính trị thế giới, Đại học Tổng hợp Quốc gia Lomonosov (Nga) cho rằng Mỹ sẽ không rời khỏi Syria, bởi nếu Mỹ rút lui thì đây được xem là thất bại rõ ràng của Tổng thống Trump. Đối với Washington, ý tưởng về khả năng rút lui là một “giới hạn đỏ” và đó là điều không chấp nhận được.
Nhiều nhà phân tích chính trị cho rằng, dưới sức ép tấn công quân sự vào Syria, chắc chắn Nga không thể ngồi yên khi đồng minh của mình bị đe dọa. Trước những diễn biến trên, dư luận quốc tế lo ngại nếu Mỹ tấn công quân sự Syria, cục diện cuộc xung đột tại Syria lại bắt đầu một vòng xoáy bạo lực mới nguy hiểm và bất ổn hơn./.