Nỗ lực ngăn chặn kịch bản Czexit

15:02, 10/04/2018

Sau khi được Chính phủ tạm quyền tại Séc thông qua, dự luật về các cuộc trưng cầu ý dân đối với quy chế thành viên của Praha tại các tổ chức quốc tế, trong đó có Liên hiệp châu Âu (EU), đang tiếp tục được Quốc hội nước này xem xét. Đây được coi là bước đi đầu tiên của giới chức Séc trong nỗ lực ngăn chặn kịch bản phải nói lời chia tay EU, còn gọi là Czexit.

Theo dự luật, một cuộc trưng cầu ý dân chỉ được thực hiện, khi bên khởi xướng nhận được ít nhất 850.000 chữ ký đề nghị trong vòng sáu tháng. Ngoài ra, kết quả cuộc bỏ phiếu sẽ có tính ràng buộc về mặt pháp lý, nếu nhận được sự ủng hộ của hơn 50% số người được quyền tham gia bỏ phiếu. Cũng theo dự luật, người dân không thể quyết định các vấn đề liên quan quy định pháp luật, các quyền tự do cơ bản, ngân sách nhà nước, thuế, việc bầu hay bãi miễn những người có chức vụ thông qua trưng cầu ý dân.

Tòa án Hiến pháp có thể xem xét tính pháp lý của câu hỏi trưng cầu, nếu Chính phủ hoặc một nhóm các nghị sĩ yêu cầu. Những quy định khắt khe nêu trên, do đảng Dân chủ Xã hội (CSSD) soạn thảo, được đánh giá sẽ tạo chướng ngại khá lớn cho việc thực hiện bất cứ cuộc trưng cầu ý dân nào liên quan quy chế thành viên EU của Séc.

Tuy nhiên, trước mắt, dự luật này cần vượt qua cửa ải khó khăn tại Quốc hội Séc. Hiện, Séc đang trong quá trình đàm phán cam go thành lập chính phủ mới, nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng chính trị kéo dài nhiều tháng qua. Các nhà phân tích cho rằng, việc Đảng Tự do và Dân chủ (SPD), có tư tưởng chống người nhập cư và hoài nghi châu Âu tham gia đàm phán thành lập chính phủ mới sẽ khiến Czexit tiếp tục trở thành vấn đề nóng, thậm chí được sử dụng làm điều kiện mặc cả trên bàn đàm phán.

Thời gian qua, SPD luôn đi đầu trong làn sóng ủng hộ Séc rời EU. Lãnh đạo đảng SPD T.Ô-ca-mu-ra thừa nhận, những bất đồng liên quan Czexit là một trong những hòn đá tảng cản trở tiến trình thành lập chính phủ mới tại nước này. Trên thực tế, mới đây, SPD đã không đứng về phía Thủ tướng được chỉ định A.Ba-bi-xơ trong cuộc bỏ phiếu tín nhiệm tại Hạ viện, khi ông Ba-bi-xơ tuyên bố không chấp thuận dự luật do SPD đề xuất liên quan cuộc trưng cầu ý dân về Czexit.

Ngoài ra, theo các nhà quan sát, để ngăn chặn Czexit, Chính phủ Séc còn phải đối mặt một cửa ải khó khăn khác là thuyết phục người dân nước này. Trong khi đó, các cuộc thăm dò dư luận cho thấy, tỷ lệ người dân Séc ủng hộ ở lại EU ở mức thấp trong các nước Trung Âu. Theo kết quả thăm dò dư luận mới đây do Cơ quan nghiên cứu châu Âu có trụ sở tại Pra-ha tiến hành tại Séc, Xlô-va-ki-a, Xlô-vê-ni-a, Áo và Hung-ga-ri, chỉ có 54% số người dân Séc được hỏi ủng hộ ở lại EU, trong khi con số này ở các quốc gia còn lại đều hơn 69%.

Bên cạnh lập trường kiên quyết ủng hộ Czexit của SPD, hiện hầu hết chính đảng ở Séc có quan điểm tiếp tục duy trì vị trí thành viên của nước này trong EU. Các chính khách chủ chốt của CSSD, đảng TOP 09, đảng Dân chủ Công dân (ODS), Liên minh Dân chủ Thiên chúa giáo - đảng Nhân dân (KDU-CSL), Phong trào ANO đồng loạt phản đối ý định Pra-ha từ bỏ EU.

Không phải ngẫu nhiên mà nhiều chính trị gia tại Séc cho rằng, việc rút khỏi EU là bước đi sai lầm. Các nhà quan sát nhận định, nếu kịch bản Czexit xảy ra, nền kinh tế Séc, vốn phụ thuộc nhiều vào hoạt động xuất khẩu, sẽ phải trả cái giá khá đắt. Theo số liệu chính thức mới được Chính phủ Séc công bố, năm 2017, EU tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Séc khi chiếm đến 83,7% tổng kim ngạch xuất khẩu. Mặc dù tồn tại nhiều bất đồng với EU liên quan hạn ngạch tiếp nhận người tị nạn, nhưng với những lợi ích thu được từ việc sống dưới “mái nhà chung” EU, nền kinh tế Séc duy trì tốc độ tăng trưởng khả quan trong những năm qua. Theo Cục Thống kê Séc (CSU), năm 2017, kinh tế nước này tăng trưởng 4,5%.

Các nhà quan sát nhận định, vấn đề đi hay ở lại EU sẽ tiếp tục là chủ đề nóng trên chính trường Séc thời gian tới nhưng kịch bản Czexit sẽ khó xảy ra. Hơn ai hết, các nhà lãnh đạo Séc hiểu rằng, chia tay EU, không những nền kinh tế có nguy cơ gánh chịu những ảnh hưởng nặng nề, Séc có thể phải đối mặt các hệ lụy khác, như tình trạng thất nghiệp và bất ổn xã hội gia tăng.